Phát triển ca cao: Tiếp cận mới
Năm 2013, giải thưởng ca cao tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Paris (Pháp) có nguyên liệu từ những hạt ca cao Việt Nam. Các nhà chế biến thế giới xếp ca cao Việt vào nhóm nước có chất lượng cao như Ghana, Bờ Biển Ngà, Brazil. Năm 2015, Tổ chức Ca cao thế giới (ICCO) đưa Việt Nam vào danh sách các nước sản xuất ca cao có hương vị hàng đầu thế giới.
Có cơ hội - Thiếu niềm tin
Sự gia tăng tầng lớp trung lưu các nước có dân số nhiều nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ… làm tăng nhu cầu sử dụng sản phẩm từ ca cao như sôcôla… Hơn 10 năm qua, tiêu thụ sản phẩm từ ca cao tại Trung Quốc tăng gấp ba lần, ở Ấn Độ và Brazil hơn gấp đôi. Các nước châu Á nhập khẩu hơn 500.000 tấn/năm ca cao lên men từ Tây Phi và Nam Mỹ. Thế nhưng, nguồn cung hạt ca cao chưa áp ứng đủ nhu cầu. Lý do, các nước có nguồn cung ứng lớn ở châu Phi và châu Á (Indonesia - thứ 3 thế giới về sản lượng) sụt giảm do vườn cây già cỗi và sâu bệnh. Nông dân trồng ca cao những khu vực này ít hoặc không ủ chua để lên men, lại không áp dụng thực tiễn nông nghiệp tốt nên không thể bán giá cao, một bộ phận chuyển sang trồng cây công nghiệp khác.
Theo số liệu của ICCO, tổng nhu cầu ca cao tăng khoảng 3%/năm, mà sản lượng liên tục giảm nên thiếu hụt nguồn cung, đẩy giá bán lên. Sản lượng ca cao thế giới ở mức 4 triệu tấn/năm. Năm 2014, giá ca cao tăng 25%; năm 2015 tiếp tục tăng, với mức giá hơn 3.300 USD/tấn (tháng 7-2015) và tháng 5-2016, giá bán ở sàn New York dao động ở mức 3.100 USD/tấn. Ca cao là một trong số ít mặt hàng nông sản, như hồ tiêu, duy trì mức giá cao khá ổn định. Đến năm 2020, với nhu cầu tăng như hiện nay mà việc phát triển diện tích và năng suất không thành công, thế giới sẽ thiếu khoảng 1 triệu tấn ca cao.
Là nước duy nhất ở châu Á trồng và xuất khẩu ca cao lên men (mới làm được sôcôla), nếu không chỉ làm bột hoặc những sản phẩm thấp cấp hơn nên Việt Nam được kỳ vọng là nước xuất khẩu ca cao lớn trong khu vực nhờ vị thế đắc địa để đáp ứng nhu cầu hạt ca cao lên men cho các nhà sản xuất sôcôla, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc. Một lợi thế khác, Việt Nam là thành viên của khu vực tự do thương mại ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), ca cao Việt Nam xuất sang Trung Quốc không bị đánh thuế nhập khẩu như ca cao từ Tây Phi hay Nam Mỹ.
Giai đoạn 2004-2012, cây ca cao được hỗ trợ của Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn sản xuất sôcôla nên diện tích ca cao từ 4.270ha ở năm 2005 lên 25.700ha năm 2012. Nhưng sau đó, giá ca cao giảm hơn 50%, còn 3.000 đồng/kg trái tươi, dù sau đó phục hồi lại giá nhưng đến năm 2015, diện tích ca cao cả nước còn khoảng 11.700ha, giảm 14.000ha.
Trong lúc người nước ngoài kỳ vọng về cây ca cao Việt Nam thì trong nước, niềm tin vào cây trồng này chưa phải là đông, nếu không nói có phần suy giảm do cú sốc rớt giá năm 2012-2013. Nguyên nhân là cây ca cao chỉ là thân phận trồng xen, chưa được nhìn nhận là loại cây chủ lực cho xuất khẩu; tính tập trung chưa cao nên khó tiêu thụ và đối tượng nông dân nghèo không đủ nguồn lực đầu tư thâm canh.
Vai trò dẫn dắt
Là người gắn bó với ngành ca cao Việt Nam hơn 10 năm, ông Đinh Hải Lâm, nguyên Giám đốc Phát triển Ca cao Việt Nam của Công ty Mars Inc. Việt Nam, cho rằng để phát triển bền vững cây ca cao phải áp dụng công nghệ cao trong sản xuất và nhất là có sự tham gia của doanh nghiệp (DN) làm vai trò dẫn dắt. Điều này thấy rõ ở ngành hàng cao su, cà phê, mía đường, trà, tinh bột mì…
Thông qua sự đầu tư của DN, các nông trường trồng ca cao tập trung làm nền tảng và động lực cho các nông hộ nhỏ làm theo. Với ca cao, các công ty nước ngoài mới dừng lại ở việc thu mua hoặc liên kết với nông dân, nên vẫn chưa thật sự hiệu quả để thuyết phục bà con gắn bó. Vì vậy, ông Đinh Hải Lâm cùng các đối tác thành lập Công ty cổ phần Ca cao Intercontinental Coporation (CIC) với hy vọng ngành ca cao có điều kiện phát triển ổn định.
CIC là DN đầu tiên đầu tư vào trồng ca cao bằng công nghệ cao khi xây dựng trang trại ca cao tại Đắk Lắk. Trong đó, nông trường như là mô hình hạt nhân, các nông hộ trong xung quanh làm vệ tinh. Bà con tiếp cận kỹ thuật, vật tư, được bao tiêu đầu ra, hình thành mối liên kết giữa DN và nông dân để sản xuất ca cao hàng hóa theo chuỗi, dựa trên nguyên tắc cùng hỗ trợ phát triển và chia sẻ lợi ích. Giữ được sự gắn bó với người dân từ các hoạt động hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật và mua với mức giá cạnh tranh là chìa khóa để mối liên kết này bền vững nhờ hai bên đều có lợi.
CIC muốn đưa ra giải pháp tổng thể cho người trồng ca cao. Người dân tiếp cận được tín dụng, cây giống và vật tư chất lượng với giá hợp lý, tiếp cận kiến thức canh tác, dịch vụ trồng trọt mới, nhất là dễ tiêu thụ, kỳ vọng mô hình này rồi sẽ được nhân rộng.
Nói về mô hình hạt nhân và vệ tinh, ông Đinh Hải Lâm đưa ra bài toán, nếu sở hữu 1.000ha ca cao cũng chỉ là một công ty sản xuất được 2.000 tấn/năm, nhưng nếu liên kết được với nông dân để phát triển thành 10.000ha, lúc đó sẽ là công ty với 20.000 tấn nguyên liệu/năm. Đây chính là sự lớn mạnh nhờ chia sẻ lợi ích.
CIC đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ thiết lập các nông trường ca cao với tổng diện tích khoảng 2.000ha trồng tập trung, áp dụng công nghệ hiện đại như tưới nhỏ giọt và mở rộng trồng ca cao tới khoảng 10.000 nông hộ sinh sống xung quanh các nông trường ca cao của CIC đầu tư. Nhưng để phát triển, đặc biệt là với ngành hàng mới cần sự tham gia tích cực từ nhiều đối tác.
Trong đó, có vai trò kiến tạo của Nhà nước khi làm quy hoạch, chính sách, phân bổ nguồn lực để thực hiện các chính sách; DN giữ vai trò dẫn dắt, định hướng chất lượng, chuyển giao kỹ thuật và công nghệ, kết nối thị trường; người nông dân là đối tượng làm ra hạt ca cao. Sự thành công của mô hình này sẽ là tiền đề để DN khác làm theo, với mong muốn cùng đưa Việt Nam thành nước xuất khẩu ca cao chất lượng cao.