Phối hợp phát triển chuỗi nông sản an toàn

Phối hợp các địa phương trong việc quản lý, kiểm soát nguồn nông sản tại chỗ là hướng đi mà ngành nông nghiệp TPHCM đã và đang làm suốt thời gian qua, không chỉ để người dân TP có nguồn thực phẩm an toàn hơn mà còn hỗ trợ các địa phương tiêu thụ nông sản một cách ổn định. 

Lãnh đạo 2 Sở NN-PTNT TPHCM và Tiền Giang ký bản thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2017-2020

Lãnh đạo 2 Sở NN-PTNT TPHCM và Tiền Giang ký bản thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2017-2020

Hình thành một số vùng nguyên liệu tập trung 

Tại buổi sơ kết việc phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn với TPHCM và ký kết hợp tác giai đoạn 2017-2020, lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cho biết trong 2 năm 2015-2016 đã thực hiện 9 chuỗi được cấp giấy chứng nhận sản phẩm tham gia chuỗi thực phẩm an toàn, trong đó có 7 chuỗi cung cấp cho thị trường TPHCM (gồm 4 chuỗi sản phẩm rau, cung cấp khoảng 7 tấn rau các loại/ngày; 3 chuỗi sản phẩm thịt, cung cấp gần 200.000 con gà/năm, 130.000 quả trứng gà/ngày).

Ngoài ra, các bộ phận đã định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, tạo đầu ra ổn định cho chuỗi liên kết, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản. Cơ quan quản lý nhà nước ngành nông nghiệp của 2 địa phương đã có sự phối hợp và liên kết khá tốt trong quá trình giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau - thịt, giúp việc lưu thông hàng hóa được dễ dàng và hiệu quả hơn. Bước đầu tỉnh Tiền Giang đã hình thành được một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, để cung cấp nông sản cho thị trường TPHCM. 

Thế nhưng, đánh giá tại buổi sơ kết cho thấy, số lượng chuỗi hợp tác chưa nhiều như mong muốn, chủng loại tham gia ít và chưa thật sự bền vững. Bởi đa phần các nông sản cung cấp cho thị trường TPHCM là thông qua thương lái và các chợ đầu mối. Hơn nữa, việc tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP trên thị trường TPHCM còn ít, so với diện tích và sản lượng được chứng nhận của tỉnh Tiền Giang. 

Sau khi đánh giá quá trình thực hiện thời gian qua, 2 Sở NN-PTNT đã ký bản thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2017-2020 với các nội dung: Tiếp tục hợp tác xây dựng chương trình, kế hoạch sản xuất kinh doanh và tiêu thụ chuỗi cung ứng nông sản an toàn. Thúc đẩy doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất kinh doanh giữa 2 địa phương hợp tác phát triển sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn theo chuỗi bền vững. Tiếp tục tăng cường việc thanh tra, kiểm tra giám sát về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất trái cây, thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cung ứng sản phẩm cho thị trường TPHCM. Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các DN, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất nông sản an toàn tại Tiền Giang tiếp cận thị trường TP hơn nữa (thông qua các hoạt động như hội chợ, hội thảo, liên kết các DN, tiếp cận các hệ thống phân phối như chợ đầu mối, siêu thị trên địa bàn TP…). 

Chưa tương xứng nhu cầu  

Theo ông Cao Văn Hóa, quyền Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, tỉnh tiếp tục tổ chức lại sản xuất, củng cố các mô hình kinh tế tập thể, phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn; gắn hoạt động sản xuất nguyên liệu với bảo quản, chế biến và tiêu thụ phù hợp với nhu cầu thị trường và bảo đảm an toàn thực phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh...

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, đánh giá cao sự nỗ lực của 2 sở trong thời gian qua khi cùng phối hợp kiểm tra, kiểm soát, kết nối sản phẩm theo chuỗi thực phẩm an toàn. Nhưng ông Trung cũng nhìn nhận, kết quả thực hiện vẫn chưa tương xứng với nhu cầu của TP, cũng như với tiềm năng của Tiền Giang.

Là thị trường tiêu thụ nông sản lớn nhất cả nước, TPHCM còn là nơi tập trung nhiều cơ quan nghiên cứu, đầu mối tiếp xúc thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, nên không chỉ là nơi tiêu thụ mà còn là cửa ngõ để xuất khẩu các mặt hàng nông sản của các tỉnh.

Giai đoạn tới, 2 địa phương cần có sự hợp tác nhiều hơn, sâu hơn và bền vững hơn, để có nhiều sản phẩm nông nghiệp của Tiền Giang được gắn kết và tiêu thụ ở TP hơn nữa; nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác ở cả 2 lĩnh vực sản xuất và kinh doanh.

Các HTX, DN của TP cần chủ động hơn trong việc đặt hàng các sản phẩm chủ lực và thế mạnh của Tiền Giang, nâng quy mô số lượng và chất lượng, để việc hợp tác ngày càng bền vững. 

Trước đó, trong một phiên trả lời chất vấn của HĐND TPHCM, ông Nguyễn Phước Trung cho biết Sở NN-PTNT đã làm việc với một số tỉnh, thành tham gia chuỗi sản phẩm an toàn, liên kết chuỗi cung ứng. Để giúp giảm giá thành sản xuất, TP đã hỗ trợ vốn cho các trại cung cấp giống; làm việc với một công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi của Hà Lan để kéo giảm giá thành của thịt heo và kiểm soát được chất lượng...

Với cách làm như vậy, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM hy vọng không chỉ sản phẩm nông nghiệp của TP được tiêu thụ tốt, mà còn hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của nông dân các tỉnh, thành lân cận một cách ổn định và lâu dài.

Bình luận của bạn