Phú Yên: Hàng Việt áp đảo hàng ngoại
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra mặt hàng thời trang bán ở chợ Tuy Hòa - Ảnh: V.PHÊ
Hiện nay, trên thị trường, các sản phẩm đồ dùng gia đình, thực phẩm công nghệ, may mặc, mỹ phẩm… của nước ngoài đang ồ ạt vào Việt Nam. Dạo qua một số chợ, cửa hàng trong tỉnh, không khó để nhận ra thực phẩm, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng có xuất xứ Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc... được bày bán. Người tiêu dùng cũng quan tâm đến các sản phẩm ngoại này, song sức mua không nhiều.
Ông Trần Quốc Thái ở xã Hòa Hiệp Bắc, huyện Đông Hòa, cho biết: Tôi mới mua một quạt điện. Lúc đầu, đến tiệm, tôi định mua sản phẩm của nước ngoài nhưng vì tin tưởng vào nguồn gốc và chất lượng hàng trong nước nên tôi quyết định chọn hàng Việt Nam. Còn bà Trần Thị Mỹ Chi ở phường 8, TP Tuy Hòa, cho hay: Mỗi khi mua hàng, tôi luôn thích chọn hàng Việt Nam. Quan điểm của tôi là dù hàng ngoại có tốt đến đâu nhưng mình là người Việt Nam thì nên chọn hàng Việt Nam.
Theo Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, mặc dù hàng hóa các nước đang cố tung ra nhiều mẫu hàng chất lượng, kèm theo giá cạnh tranh để tìm chỗ đứng trên thị trường, nhưng hàng Việt Nam vẫn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Tại các điểm bán hàng, chợ truyền thống, nhiều chủng loại hàng Việt Nam được trưng bày, chiếm 90%; các mặt hàng nhập từ các nước Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia chỉ chiếm 15-20%.
Theo Sở Công thương, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã vận động 334 doanh nghiệp tham gia trưng bày 743 gian hàng tại 6 hội chợ, thu hút 227.000 lượt người tham quan, mua sắm, đạt doanh thu 16 tỉ đồng. Ngoài ra, đơn vị cũng đã phối hợp với các địa phương vận động 105 doanh nghiệp trong tỉnh đưa hàng Việt về bán tại 12 xã, thị trấn để phục vụ nhân dân, thu hút 22.800 lượt người tham quan, mua hàng, đạt doanh thu trên 864 triệu đồng. Tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hàng Việt Nam vẫn được người dân tin dùng.
Ông Lê Khắc Sinh, Trưởng Ban Quản lý chợ Tuy Hòa, cho biết: Ngoài thực phẩm tươi sống thì 80% hàng tiêu dùng, thực phẩm công nghệ tại chợ này là hàng Việt Nam. Một số người muốn dùng hàng ngoại nhưng họ sợ mua phải hàng giả nên chuyển sang chọn hàng Việt. Còn theo ông Lê Quốc Tín, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tây Hòa, đa số hàng hóa bán ở các chợ của huyện này đều là hàng Việt Nam, trường hợp nếu có bán hàng ngoại thì cũng chỉ với số lượng ít. Hầu hết chợ của huyện phục vụ nhu cầu người nông thôn nên hàng hóa cũng chỉ những sản phẩm bình dân do doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Theo ông Lương Mộng Sanh, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh, thực hiện đề án Xây dựng và phát triển thị trường trong tỉnh gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2015-2020 của UBND tỉnh, Ban chỉ đạo đã đề nghị Sở Công thương vận động các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong tỉnh tập trung đổi mới công nghệ sản xuất, đưa ra thị trường những mặt hàng chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; tăng cường tổ chức cho các doanh nghiệp đưa hàng Việt phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân nông thôn, miền núi. Sở Công thương cần chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cùng chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm bán hàng giả, hàng quá hạn sử dụng... Các doanh nghiệp của Phú Yên cần lắng nghe ý kiến của người tiêu dùng để có chiến lược bán hàng. Chính quyền, đoàn thể các địa phương, cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền để người dân phát huy lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt…