Quảng Bình: Tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Sau 9 năm phát động, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp và địa phương.
Nâng cao nhận thức người dân trong tiêu dùng
Đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động trong năm 2018, Sở Công Thương tỉnh Quảng Bình khẳng định, việc triển khai cuộc vận động tại địa phương đã đạt được những kết quả tích cực, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng của các cơ quan, doanh nghiệp tham gia, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Công tác tuyên truyền, quảng bá hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt, tôn vinh, biểu dương sản phẩm tiêu biểu được đẩy mạnh thông qua việc đấu tranh, phê phán các hành vi buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các kênh phân phối hàng Việt Nam được mở rộng, đồng thời phát triển điểm bán hàng Việt, hoạt động đưa hàng Việt về vùng nông thôn của doanh nghiệp.
Qua khảo sát thị trường nội địa, đa số các chợ, siêu thị, quầy bách hóa tổng hợp, doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn tỉnh phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân chủ yếu là hàng Việt Nam, tỷ lệ hàng Việt Nam trong tiêu dùng của người dân ngày càng cao, chiếm trên 80% và trở thành kênh hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu trong mua bán sinh hoạt hàng ngày của người dân. Các cơ quan, đơn vị khi mua sắm tài sản công đã luôn lựa chọn hàng Việt Nam có chất lượng cao như bàn ghế, tủ đựng tài liệu, xi măng, gạch ngói.
Cùng đó, các ngành và địa phương đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, góp phần hạn chế tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà sản xuất đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Trong năm 2018, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 427 trường hợp, phát hiện 253 vụ vi phạm, xử lý 263 vụ vi phạm, trong đó phạt tiền 277 hành vi, phạt cảnh cáo 03 hành vi, tịch thu hàng hóa không xác định người vi phạm 38 hành vi. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính, tiền bán hàng tịch thu, trị giá hàng tịch thu chưa bán, hàng tiêu hủy hơn 5,5 tỷ đồng.
Cuộc vận động đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn đã nhận thức được trách nhiệm đối với sự phát triển của địa phương để chú trọng đổi mới công nghệ, quản lý nhằm sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, hình thức đẹp, giá thành hạ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân cư. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và người tiêu dùng cũng nhận thức đầy đủ hơn về quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần thay đổi thái độ, hành vi ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng hóa thương hiệu Việt, thể hiện nét đẹp văn hóa của người tiêu dùng hàng Việt.
Tuy nhiên, việc triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" vẫn chưa có tính thuyết phục và đồng bộ, còn mang tính hình thức, chưa gắn kết nên không phát huy hết sức mạnh của các địa phương. Các doanh nghiệp chưa chú trọng về công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, gắn nhãn mác sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh, tạo lòng tin với người tiêu dùng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cư dân
Trong năm 2019, theo nhận định chung, thị trường sẽ có nhiều thách thức. Các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, trong năm 2019 các mặt hàng nhập khẩu có thuế xuất xuống còn 0 - 5%. Thị trường trong nước sẽ không còn là thị trường của riêng doanh nghiệp Việt mà là cuộc cạnh tranh rất gay gắt mà doanh nghiệp trong nước phải đối mặt.
Để cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tiếp tục đạt kết quả tích cực trong thời gian tới, chính quyền tỉnh Quảng Bình cần tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, điều hành đối với việc triển khai cuộc vận động; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, Đảng viên và nhân dân trên địa bàn tự giác thay đổi nhận thức, hành vi trong mua sắm tài sản công, sinh hoạt và tiêu dùng hàng ngày, tạo thói quen khi mua sắm, tiêu dùng, ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng do doanh nghiệp, nhà sản xuất ở địa phương làm ra góp phần làm cho cuộc vận động thật sự thiết thực và hiệu quả.
Mặt khác, nghiên cứu giải pháp phù hợp để gắn sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc trưng của địa phương như hàng hải sản, nông sản, mộc mỹ nghệ, hàng lưu niệm với hoạt động phát triển du lịch, tạo điểm mua sắm, điểm đến mới cho du khách, góp phần quảng bá sản phẩm mang thương hiệu Quảng Bình đến du khách trong và ngoài nước, đồng thời tiếp tục nhân rộng mô hình “Điểm bán hàng Việt, hàng Quảng Bình” trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác xúc tiến thương mại trên thị trường nội địa, hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, trung tâm thương mại tổ chức chương trình đưa hàng Việt về vùng nông thôn, xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh.