Quảng Nam: Gỡ nút thắt cho nông sản sạch
Để hoạt động sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, tỉnh Quảng Nam đã xúc tiến xây dựng nhiều chuỗi sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, giống như thực trạng chung của ngành nông nghiệp cả nước, các nông sản của tỉnh cũng rơi vào vòng luẩn quẩn được mùa mất giá và ngược lại.
Bức xúc vì thương lái chèn ép
Ông Võ Ngọc Sơn - Giám đốc hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Duy Đại Sơn (huyện Duy Xuyên) - bức xúc khi nói về những khó khăn của các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm nói riêng và các nông sản nói chung. Ông Sơn cho biết: Trong đợt khủng hoảng giá thịt heo hơi vừa qua, người chăn nuôi khốn khổ vì giá bán liên tục xuống, nhưng giá thịt heo bán đến tay người tiêu dùng vẫn không giảm. Một lứa heo, gà nuôi chừng 4 tháng mới xuất bán được, nhưng thương lái thì chỉ cần 1 đêm là thu nhập đã ngang với cả thời gian nông dân chăn nuôi rồi.
Tương tự, ông Bùi Việt Tín - Tổ trưởng Tổ Hợp tác chăn nuôi gà ta thả vườn Mười Tín-cho hay: Khâu tiêu thụ hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái, người nuôi dễ bị chèn ép. Gà ta thả vườn đạt chuẩn VietGAP vậy mà giá bán thua cả gà ở chợ truyền thống.
Theo ông Tín, khó khăn hiện nay của nông sản Quảng Nam chính là đầu ra. Trong đó, một phần nguyên nhân là người dân chưa phân biệt được sản phẩm chất lượng VietGAP với các sản phẩm thường.
Lĩnh vực rau, củ, quả cũng không ngoại lệ, ông Trần Thanh Phong - Chủ nhiệm HTX rau Mỹ Hưng thôn Hưng Mỹ, xã Bình Triều, huyện Thăng Bình- chia sẻ: Làm ra sản phẩm rau sạch, an toàn đã khó, khâu tiêu thụ còn khó hơn. Rau, củ, quả tại khu vực Điện Bàn chủ yếu tiêu thụ tại TP. Đà Nẵng, nhưng là tiêu thụ tự do, chưa có chuỗi liên kết bài bản.
Hy vọng từ chuỗi liên kết
Là 2 địa phương liền kề, tuy nhiên lượng sản phẩm nông sản của tỉnh cung cấp cho TP. Đà Nẵng chỉ chiếm lượng rất nhỏ, chủ yếu thông qua thương lái và tiêu thụ tự do.
Trước thực trạng đó, mới đây, lãnh đạo TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác sản xuất - tiêu thụ nông sản. Theo đó, tỉnh Quảng Nam sẽ cung ứng các sản phẩm nông sản bao gồm thịt gia súc, gia cầm và thực phẩm bảo đảm chất lượng và đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP) cho người tiêu dùng trên địa bàn TP. Đà Nẵng; tổ chức chứng nhận các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến rau, chăn nuôi, thủy sản đủ điều kiện ATTP và VietGAP; lựa chọn để giới thiệu các cơ sở kết nối với doanh nghiệp Đà Nẵng; thống kê và cung cấp danh sách các cơ sở đạt chuẩn cho Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng để cùng phối hợp giám sát ATTP; tổ chức giám sát ATTP tại các cơ sở vùng sản xuất, gửi thông báo kết quả kiểm tra thường xuyên cho thành phố này.
Về phía TP. Đà Nẵng, Sở Công Thương thành phố sẽ chịu trách nhiệm kết nối các doanh nghiệp trên địa bàn với các cơ sở sản xuất nông sản sạch tỉnh Quảng Nam, từ đó, giới thiệu, để tổ chức cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường Đà Nẵng. Hỗ trợ hoàn toàn hoặc một phần kinh phí tùy từng hạng mục, tạo điều kiện tối đa để nông sản sạch tỉnh Quảng Nam đến được tay người tiêu dùng.
Biên bản mà hai tỉnh vừa ký kết được kỳ vọng tạo hướng đi bền vững cho ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam.