Quảng Ninh bình ổn giá cả thị trường hàng hóa sau Tết
Sau Tết Nguyên đán, giá các mặt hàng thực phẩm rau, củ quả tại các chợ và siêu thị trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn giữ mức ổn định. Theo đánh giá của người tiêu dùng, sau Tết Nguyên đán, giá cả thị trường gần như không tăng, đặc biệt giá rau xanh giảm nhiều so với trong Tết, hàng hóa dồi dào, phong phú và không xảy ra tình trạng khan hiếm.
Tại các chợ Hạ Long 1, Hạ Long 2, nhiều sạp hàng đã bắt đầu mở cửa từ ngày mùng 2 Tết. Theo quan niệm của nhiều người thì đó là ngày đẹp để mở hàng bán lấy may cho cả một năm. Năm nay giá cả không biến động nhiều so với trước Tết, giá rau súp lơ dao động 20.000 đồng/kg, thịt lợn dao động từ 90.000 – 100.000 đồng/kg, thịt bò giá 280.000 đồng/kg, cá song giá 250.000 đồng/kg, cá vược 140.000 – 170.000 đồng/kg, tôm biển giá từ 400.000 – 500.000 đồng/kg…. Nhu cầu sau những ngày Tết chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng phục vụ hoạt động cúng lễ trong gia đình và các lễ hội truyền thống.
Cũng như năm trước, dịp Tết năm nay người dân có tâm lý ưa chuộng sử dụng hàng Việt Nam. Với giá cả phải chăng, chất lượng đảm bảo, các thông tin về hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hàng Việt ngày càng trở thành sự lựa chọn đáng tin cậy của người tiêu dùng. Dạo quanh thị trường hàng tiêu dùng từ các siêu thị, chợ cho đến các kiốt trên địa bàn TP. Hạ Long và các khu vực lân cận, điều dễ nhận thấy là đa phần hàng hóa phục vụ thị trường Tết là từ nguồn cung của các doanh nghiệp trong nước.
Chị Nguyễn Thị Lan, hộ kinh doanh tạp hóa ở chợ Hạ Long 2, TP. Hạ Long cho biết: “Người dân ngày nay toàn dùng hàng Việt Nam có nhãn mác, thương hiệu đầy đủ, vì thế cửa hàng tôi chủ yếu kinh doanh hàng Việt Nam. Hơn nữa, tôi thấy hàng Việt Nam giờ mẫu mã cũng đẹp, phong phú chủng loại, giá cả vừa túi tiền nên việc tiêu thụ cũng dễ dàng lắm”. Việc hàng Việt Nam không ngừng cải tiến, đổi mới, chất lượng cao hơn, được người tiêu dùng lựa chọn ngày càng nhiều cũng là yếu tố góp phần đẩy lùi hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái.
Trước Tết, lực lượng quản lý thị trường các huyện, thị, thành phố đã tổ chức các đoàn kiểm tra thị trường Tết trên địa bàn; phân công, tổ chức trực Tết nhằm kiểm soát thị trường, đề phòng các biến động không có lợi của thị trường. Trọng tâm là tiếp tục giám sát hoạt động của các cửa hàng xăng dầu; kiểm tra, nhắc nhở các cửa hàng, điểm bán ở các chợ, siêu thị thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; chú ý việc giám sát các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân sau Tết Nguyên đán.
Đặc biệt, trước Tết Nguyên đán 2017, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch về việc thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh, trong đó yêu cầu không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đột biến về giá, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.
Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu tất cả hàng hóa phải đáp ứng 100% là sản xuất trong nước, đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ (có đầy đủ bao gói, nhãn mác cũng như các thông tin liên quan đến sản phẩm) và vệ sinh an toàn thực phẩm, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng trong điều kiện bình thường cũng như có biến động giá.
UBND tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp tự nguyện liên kết với nhau tạo thị phần đáp ứng yêu cầu bình ổn thị trường, nhưng phải có doanh nghiệp làm đầu mối điều tiết và cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ quan quản lý Nhà nước để phối hợp quản lý, thực hiện.
Cùng với việc bình ổn giá cả trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2017, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao mừng Đảng, mừng Xuân tạo khí thế vui tươi, phấn khởi cho nhân dân và phục vụ khách du lịch.
Theo báo cáo của Sở Du lịch, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, (từ ngày 26/1 (29 Tết) đến 1/2 (mùng 5 Tết)), Quảng Ninh đã đón khoảng 80 vạn lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng khoảng 45% so với cùng kỳ năm 2016, doanh thu ước đạt 9.000 tỷ đồng. Trong đó khách du lịch lưu trú đạt khoảng 86.000 lượt khách. Thị trường khách lưu trú chủ yếu đến từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Âu…
Riêng lượng khách tham quan vịnh Hạ Long ước đạt gần 7 vạn lượt, trong đó khách lưu trú trên vịnh đạt khoảng 25.000 lượt. Chỉ tính riêng ngày mùng 1 Tết, có khoảng 300 chuyến tàu đưa trên 5.000 lượt du khách đi tham quan vịnh Hạ Long, tăng 20% so với ngày thường, chủ yếu là du khách du lịch quốc tế.
Đầu năm, lượng khách đi lễ chùa tăng mạnh, trong 7 ngày nghỉ Tết ước đạt có 63 vạn lượt khách đến tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, khách tập trung tham quan đông nhất tại các điểm di tích văn hóa như: Yên Tử, chùa Ba Vàng (TP. Uông Bí); chùa Ngọa Vân, khu di tích nhà Trần (Đông Triều); đền Cửa Ông (TP. Cẩm Phả); chùa Cái Bầu (Vân Đồn) và chùa Long Tiên (TP. Hạ Long)… Đặc biệt sản phẩm du lịch của Tập đoàn Sungroup đó là Cáp treo Nữ hoàng, Vòng quay mặt trời và Dragon Park thuộc Công viên Đại Dương Hạ Long mới đưa vào hoạt động phục vụ du khách trong dịp Tết đã thu hút khoảng 25.000 lượt khách. Các hoạt động vui chơi, giải trí phục vụ du khách tốt hơn, các hoạt động dịch vụ có chuyển biến rõ nét về chất lượng phục vụ.
Ngoài việc vui xuân đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ ổn định; công tác quản lý và tổ chức các hoạt động lễ hội đầu Xuân đảm bảo thực hiện tốt nếp sống văn minh, không để xảy ra tình trạng chặt chém tại các đền chùa, các khu vui chơi, vệ sinh an toàn thực phẩm và an ninh trật tự, được đảm bảo…/.