Rau quả Việt Nam còn nhiều dư địa xuất khẩu vào Trung Quốc
Nhu cầu tiêu dùng rau quả của Trung Quốc đang có xu hướng tăng chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn xuất khẩu rau quả Việt Nam – Trung Quốc do Công ty Dịch vụ Quảng cáo & Triển lãm Minh Vi và Hiệp hội Rau quả Việt Nam phối hợp tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh sáng 14/3.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu nông sản lớn và quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Riêng mặt hàng rau quả, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt giá trị 2,8 tỷ USD trong năm 2018.
Theo ông Lê Thanh Hòa, Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ khổng lồ với quy mô hơn 1,4 tỷ dân, trung bình mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu tới 160 tỷ USD nông, lâm, thủy sản.
Ngoài các mặt hàng như gạo, cao su, sắn thì nhu cầu rau quả của Trung Quốc cũng đang có xu hướng gia tăng, trong khi đó năng lực xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt tới 10 tỷ USD mỗi năm nhưng hiện tại mới chỉ xuất khẩu 4 tỷ USD.
Thêm vào đó, Việt Nam có nhiều lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc khi có vị trí địa lý liền kề nhau và Trung Quốc đã cắt giảm tới 95% số dòng thuế nhập khẩu đối với nông sản của Việt Nam (theo cam kết trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN –Trung Quốc).
Đặc biệt, để thu hút nông sản, rau quả Việt Nam, phía Trung Quốc đã xây dựng luồng xanh tại các cửa khẩu, cho phép hàng hóa Việt Nam được thông quan trước, kiểm tra sau và hợp tác xây dựng các trung tâm giao dịch số lượng lớn.
Ông Zhang Zu Man, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty nông sản XinFaDi cho biết, nhu cầu tiêu dùng rau quả của người Trung Quốc ngày càng cao cả về số lượng và chất lượng.
Từ chỗ “có gì ăn đó” người Trung Quốc hiện nay muốn “ăn gì có đó” và sẵn sàng chi trả cao hơn cho các loại thực phẩm có chất lượng cao.
Lợi thế của Việt Nam là có chủng loại trái cây nhiệt đới đa đạng, phong phú, hương vị thơm ngon và được người tiêu dùng Trung Quốc đánh giá cao.
Thêm vào đó, cơ cấu rau quả của Việt Nam và Trung Quốc mang tính bổ sung cho nhau, do đó sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam không phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm trồng trong nước.
Hiện nay thanh long, chuối, vải, xoài, mít của Việt Nam đã được bày bán rất phổ biến tại các chợ nông sản lớn ở Trung Quốc.
Bên cạnh rau quả tươi, phía Trung Quốc cũng đang đầu tư nhiều nhà máy chế biến nông sản, do đó nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam là rất lớn.
Ông Xu Zhu, Tổng Giám đốc Công ty Yolego Bắc Kinh chia sẻ, Trung Quốc được xác định là thị trường xuất khẩu nông sản của không chỉ Việt Nam mà còn là nơi tiêu thụ của nhiều quốc gia khác trong khu vực; trong đó, Việt Nam đang có ưu thế hơn ở mặt hàng rau quả nhờ sự đa dạng về chủng loại và hương vị đặc trưng đã được khẳng định, hai nước cũng có truyền thống thương mại lâu năm qua đường biên mậu.
Tuy nhiên, điểm hạn chế hiện nay trong thương mại nông sản nói chung, rau quả nói riêng là người mua và người bán chưa có sự liên kết, hợp tác trực tiếp, phần lớn giao dịch đều thông qua thương lái và nhiều khâu trung gian.
Điều này làm phát sinh nhiều chi phí, thời gian mà chất lượng hàng hóa lại không được đảm bảo.
Theo ông Xu Zhu, để thúc đẩy xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc, doanh nghiệp hai bên cần tăng cường trao đổi thông tin thị trường, thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài. Chỉ khi doanh nghiệp hai bên làm việc trực tiếp với nhau thì mới xây dựng được chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; trong đó, doanh nghiệp Việt Nam tổ chức sản xuất theo nhu cầu, tiêu chuẩn của Trung Quốc và được đảm bảo đầu ra ổn định.
Điều này giúp người trồng Việt Nam thoát khỏi cảnh “được mùa mất giá” hay “giải cứu nông sản”, ngược lại nhà nhập khẩu Trung Quốc có được nguồn cung ổn định và đảm bảo chất lượng.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả, nông sản của Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động đáp ứng các yêu cầu về quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc nhằm đẩy mạnh xuất khẩu theo đường chính ngạch./.