Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở Tây Ninh
Tây Ninh là địa phương đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn thí điểm phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hội nhập thị trường quốc tế. Với những lợi thế về tiềm năng, vị trí địa lý, và quan trọng nhất là sự hưởng ứng tích cực từ người nông dân, Tây Ninh đang có những bước đi để phát triển đúng hướng, phấn đấu trở thành thủ phủ nông nghiệp sạch của cả nước...
Sự hưởng ứng của nông dân
Chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Văn Sáu, 49 tuổi, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng để tìm hiểu về dự án trồng khóm (dứa). Vườn khóm của ông Sáu mới trồng được khoảng hơn một tháng nay, nhưng đã cho thấy những dấu hiệu sinh trưởng rất tốt. Những hàng khóm thẳng tắp, đang vươn lên xanh mượt. Ở vùng đất quanh năm chua phèn nhiễm mặn này, ít người dám mạnh dạn như ông. Ông Sáu kể: “Trước kia, khi tôi gom tiền để mua đất ở khu vực này ai cũng nói là liều vì hầu hết nông dân ở đây đều thất bại với các loại cây trồng. Nhưng qua việc nghiên cứu, tìm hiểu và đi thực tế ở các địa phương khác, tôi biết cây khóm hợp với những vùng đất chua phèn nhiễm mặn cho nên tôi mạnh dạn trồng thử nghiệm”. Để trồng được giống cây này, ông Sáu đầu tư hơn 600 triệu đồng đắp đê bao quanh, làm hệ thống mương thoát nước, lắp đặt hệ thống tưới tự động, làm đường giao thông nội bộ và mua khóm giống về trồng thí nghiệm trước 3 ha trong tổng số gần 200 ha đất nông nghiệp của gia đình.
Theo ông Sáu, ngoài những kiến thức tự tìm hiểu, ông còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ địa phương về công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho khóm. Chẳng phải tự nhiên mà ông bỏ công sức, tiền của để đưa khóm ra trồng trên một diện tích lớn như thế. Hiện ông đã chuẩn bị quỹ đất khoảng 200 ha để mở rộng diện tích nhằm cung cấp sản lượng theo thỏa thuận đã ký kết cho Nhà máy Tanifood chuyên chế biến trái cây đông lạnh xuất khẩu ở huyện Gò Dầu. Khi chắc chắn bảo đảm được đầu ra ổn định, cùng với sự hỗ trợ hiệu quả từ cán bộ khuyến nông địa phương, ông mạnh dạn trồng đại trà diện tích khóm theo hướng bảo đảm chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm do nhà máy đưa ra. Theo nhẩm tính của ông Sáu, khi cây khóm đã phát triển ổn định có thể mang lại cho ông thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm/3 ha thử nghiệm, cao gấp đôi so với trồng lúa như trước đây.
Mãng cầu (na) là một trong những trái cây nổi tiếng của tỉnh Tây Ninh. Đây cũng là sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý tại địa phương. Vườn trồng mãng cầu rộng 5 ha của ông Huỳnh Biển Chiêu (xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh) được chọn để triển khai mô hình “Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất mãng cầu ta theo tiêu chuẩn VietGAP”.
Theo ông Chiêu, trước đây gia đình ông trồng mãng cầu theo kiểu truyền thống, trái thường bị sâu đục, không đều đẹp, chưa thật sự chất lượng, năng suất không cao. Nhưng mọi chuyện đã khác khi ông được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn trồng mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP giúp năng suất tăng, bình quân đạt 9 đến 10 tấn/ha, trái to, đẹp và bảo quản được lâu hơn.
Nông dân Huỳnh Biển Chiêu cũng là người đầu tiên áp dụng thành công biện pháp chống dịch ruồi vàng đục trái, gây dòi trong trái mãng cầu bằng cách bao trái từ khi còn non. Cách này chi phí tuy cao, nhưng khá hiệu quả. Hiện, sản phẩm mãng cầu của gia đình ông đã được xuất khẩu ra nước ngoài và được thị trường chấp nhận bởi chất lượng và an toàn. Ông Chiêu cho biết, gia đình cũng đang tích cực phát triển mạnh hơn nữa thương hiệu trái mãng cầu đã được nhiều người dân trong cả nước biết đến song băn khoăn lớn nhất của ông chính là việc tìm được đầu ra ổn định cũng như vấn đề giá cả của trái mãng cầu đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, bởi chi phí trồng theo hình thức này bao giờ cũng cao hơn so với cách trồng truyền thống.
Có thể nhận định, hội thảo quốc tế Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế được tổ chức đầu năm nay là một sự gợi mở tích cực đối với tâm lý người nông dân ở Tây Ninh. Ngay sau đó, tại nhiều địa phương, nhiều cuộc hội nghị, hội thảo đã diễn ra để triển khai thực hiện các ký kết xúc tiến đầu tư giữa nhà đầu tư với người nông dân. Đơn cử như tại huyện Dương Minh Châu, hội thảo triển khai đề án phát triển chuỗi giá trị nông sản hội nhập thị trường thế giới thu hút gần 300 nông dân tham gia. Mọi người rất hào hứng với viễn cảnh có thể làm giàu ngay trên chính mảnh đất của mình. Bí thư Huyện ủy Dương Minh Châu Nguyễn Thị Xuân Hương phấn khởi cho hay: “Ngay sau buổi hội thảo, 250 nông dân trong huyện đăng ký tham gia chương trình nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích đóng góp lên tới 500 ha”. Đó được xem như một sự “cởi trói” cho người nông dân sau mấy chục năm loay hoay với bài toán cây trồng và thị trường đầu ra.
Quyết tâm của chính quyền
Để có được những kết quả bước đầu và sự ủng hộ, đồng thuận cao của người dân trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Tây Ninh đã có những sự chuẩn bị rất bài bản và chiến lược. Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Trần Lưu Quang cho biết: Hiện, tỉnh đã chuẩn bị được hơn 2.000 ha đất nông nghiệp dành cho phát triển chuỗi giá trị nông sản. Đây là diện tích đất tỉnh sẽ đứng ra kêu gọi các nhà đầu tư đến và cùng triển khai mô hình. Qua đó giúp người dân có thể hình dung “nông nghiệp công nghệ cao” là gì để họ chung tay cùng chính quyền địa phương thực hiện. Trước đó, tại hội thảo quốc tế Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế, Tây Ninh cũng đã thực hiện nhiều chương trình hợp tác với nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đơn cử như quyết định cho phép Công ty TNHH Lavifood (Long An) xây dựng nhà máy chế biến trái cây đông lạnh. Hiện nhà máy đang được xây dựng với công suất thiết kế 500 tấn nguyên liệu/ngày để chế biến các loại trái cây đông lạnh xuất khẩu.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Lưu Quang cho biết thêm: “Vừa qua, tỉnh Tây Ninh cũng đã tổ chức các đoàn công tác đi học tập các mô hình về nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng; tổ chức các cuộc tiếp xúc, tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư ở Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ,… Với quyết tâm đưa Tây Ninh trở thành thủ phủ rau sạch của cả nước, hướng tới thị trường xuất khẩu, tỉnh cũng đã ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại nông nghiệp, trong đó, đặt ra những mục tiêu cụ thể như: Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với sản xuất chuyên canh cây ăn trái chất lượng
cao quy mô khoảng 15.000 ha đến năm 2020 và 30.000 ha đến năm 2030; rau, củ, quả chuyên canh khoảng 1.000 đến 1.500 ha đến năm 2020 và 4.000 ha đến năm 2030. Xây dựng ít nhất ba vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích 800 ha đến năm 2020 và 1.800 ha đến năm 2030. Bình quân giá trị sản phẩm thu hoạch trên diện tích đất trồng trọt đạt 100 triệu đồng/ha đến năm 2020 và 264 triệu đồng/ha đến năm 2030. Phấn đấu đến năm 2020, có ít nhất 40% sản lượng nông sản, thực phẩm (bao gồm rau quả, trái cây) được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, Organic có thể truy xuất được nguồn gốc, đến năm 2030 tỷ lệ này là 60%, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đứng ở góc độ một chuyên gia và là một nhà đầu tư, ông Lê Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Organic Life cho rằng: Những gì Tây Ninh cần làm là thể hiện bằng được sự tiếp cận thị trường theo một phương thức mới. Tức là, bảo đảm khách hàng trong và ngoài nước sẽ nhận được những thứ mà họ cần, gồm: thấy được một quy trình sản xuất bài bản, đạt tiêu chuẩn của thế giới; thấy được sự chuyển động của cả một chuỗi giá trị từ vùng trồng trọt, người nông dân cho đến nhà máy, chợ đầu mối, đặc biệt là thấy được hệ thống công nghệ chuẩn bị bài bản, từ đó họ sẽ yên tâm ký các hợp đồng lớn với Tây Ninh.
Còn theo Bí thư Tỉnh ủy Trần Lưu Quang, thời gian tới, ngoài nỗ lực cải cách hành chính để thu hút nhà đầu tư, Tây Ninh còn phải tạo được động lực về trách nhiệm, sự cống hiến, nhiệt huyết của một số bộ phận cơ quan, đơn vị còn thiếu tinh thần trách nhiệm chung với công việc. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần tập huấn, hướng dẫn về mọi mặt cho người nông dân tiếp cận và hiểu biết nhiều hơn nữa về nông nghiệp công nghệ cao, để họ không bỡ ngỡ khi chuyển đổi từ hình thức làm nông nghiệp truyền thống sang làm nông nghiệp công nghệ cao.