Sẽ có 100 Điểm bán hàng Việt Nam trong năm nay

Thông tin trên được bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đưa ra tại Hội thảo "Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn" diễn ra mới đây. Bà Nga cho biết hiện cả nước có 8.539 chợ, 957 siêu thị, 189 trung tâm thương mại và khoảng 2 triệu cửa hàng bán lẻ quy mô nhỏ của hộ gia đình, ngoài ra còn có hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi, đang phát triển nhanh, được phân bố chủ yếu ở các thành phố lớn.

Báo cáo thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, đến nay, FamilyMart đã có 100 cửa hàng và dự kiến sẽ có hơn 800 cửa hàng vào năm 2020. 7-Eleven lên kế hoạch mở 100 cửa hàng trong vòng 3 năm và 1.000 cửa hàng trong vòng 10 năm. Saigon Co.op đã có hơn 500 điểm bán trên cả nước gồm 94 siêu thị Co.opmart, 2 đại siêu thị Co.opXtra, 3 trung tâm thương mại Sense City, hơn 200 cửa hàng thực phẩm Co.op Food, gần 80 của hàng Co.op Smile, hơn 170 cửa hàng Co.op, cửa hàng Bến Thành, chợ ẩm thực hiện đại Sense Market. Central Group cũng đã có khoảng 43 siêu thị, cửa hàng và 30 trung tâm mua sắm. Với Vinmart+, hệ thống này đã có 1.000 cửa hàng năm 2016, khoảng 2.500 cửa hàng tính đến cuối năm 2017. Mục tiêu tăng trưởng đến năm 2020 của hệ thống bán lẻ VinMart & VinMart+ là 200 siêu thị và 4.000 cửa hàng.

Tuy nhiên, hiện thực phẩm chưa kiểm soát được theo chuỗi cung cấp thực phẩm nên việc phân tích, đánh giá nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thủ công, thực phẩm tươi sống vẫn là khâu yếu, chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu thì nhu cầu tiêu dùng thực phẩm bảo đảm là biện pháp tự vệ chính đáng của người dân và cũng là cơ hội tốt cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Trước thực trạng này, bà Nga cho biết Bộ Công Thương sẽ tư vấn xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng, cơ sở kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm ngành Công Thương. Việc áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến trong kinh doanh thực phẩm sẽ giúp các cơ sở kinh doanh đáp ứng được các quy định pháp luật cũng như bảo đảm chất lượng, an toàn cho thực phẩm và truy xuất nguồn gốc xuất xứ

Tuy nhiên, theo bà Nga, đây là phương thức quản lý chưa được biết đến rộng rãi, hầu như chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm lớn. Trước tình hình này, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã thực hiện hoạt động tư vấn hỗ trợ một số cơ sở kinh doanh xây dựng mô hình chuỗi cửa hàng, bảo đảm an toàn thực phẩm áp dụng phương thức quản lý tiên tiến như HACCP, ISO 22000: 2005.

Trong giai đoạn 2011 – 2015, đã tư vấn và xây dựng được 8 chuỗi cửa hàng kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn HACCP, ISO 22000:2005 đối với siêu thị tổng hợp, cửa hàng sữa, cửa hàng bánh ngọt tại Hà Nội, Đà Nẵng. Trong năm 2018 sẽ tiếp tục tư vấn, hỗ trợ xây dựng 5 mô hình cơ sở kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm ngành Công Thương (cửa hàng tổng hợp các mặt hàng thuộc phạm vi quản lý từ 2 bộ trở lên, cửa hàng nước khoáng, bánh các loại).

Bên cạnh đó sẽ tư vấn hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm. Mặc dù các cơ sở kinh doanh thực phẩm theo phương thức hiện đại ngày càng tăng, nhưng thực phẩm lưu thông qua chợ vẫn là chủ yếu với trên 70%. Ngoài ra với một số địa phương, chợ thực phẩm cũng là một điểm nhấn về văn hóa trong việc quảng bá du lịch địa phương. Mục tiêu của hoạt động là khuyến khích và hướng dẫn các chợ, tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại chợ áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam chợ kinh doanh thực phẩm. Trong giai đoạn 2011 – 2015, Bộ Công Thương đã hướng dẫn, phối hợp xây dựng mô hình thí điểm chợ, bảo đảm an toàn thực phẩm tại 32 địa phương.

Trong tnăm 2018, trong khuôn khổ Dự án An toàn thực phẩm thuộc Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Công Thương sẽ phối hợp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm tại 24 địa phương. Đặc biệt là hướng tới việc hàng hóa được bày bán tại Điểm bán hàng Việt phải đạt 100% là hàng hóa được sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm.... và thực hiện dưới sự giám sát của Sở Công Thương. Dự kiến hết năm 2018 sẽ thiết lập được khoảng 100 Điểm bán hàng Việt tại 59 địa phương trên cả nước. Mục tiêu trong thời gian tới mà Điểm bán hàng Việt tiến tới là điểm phát luồng hàng hóa trong khu vực, điểm tập kết các đặc sản vùng, địa phương nhằm tăng cường quảng bá du lịch.

Với các mặt hàng nông sản, Bộ Công Thương đã và đang triển khai xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp tại 12 tỉnh với các mặt hàng được cam kết bao tiêu sản phẩm tiêu biểu như lúa, ớt, khoai tây, hành củ, cải bó xôi, gà thịt an toàn sinh học, rau an toàn... Nông sản hàng hóa được cam kết tiêu thụ tránh được việc được mùa mất giá, hàng hóa sản xuất được an toàn, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Sau khi triển khai xây dựng và thực hiện mô hình đã thu hút 29 doanh nghiệp (chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa); 15 hợp tác xã; 90 hộ kinh doanh; 5.551 hộ nông dân cùng 264 xã viên tham gia.

Ngoài ra, Bộ cũng đã phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM tổ chức thực hiện hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố với các tỉnh thành Đông – Tây Nam bộ. Qua 5 năm triển khai, đã có 1.349 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, tập trung vào hàng thực phẩm an toàn được ký kết giữa các địa phương, giao thương 2 chiều, doanh thu đạt 22.132 tỉ đồng.

 

Bình luận của bạn