Siêu thị Việt về tay đại gia Thái: Hàng Việt cần sớm chuyển mình

Thông tin Tập đoàn Casino Group (Pháp) đã hoàn tất việc chuyển nhượng hệ thống Big C Việt Nam cho Tập đoàn Central Group (Thái Lan) đã dấy lên lo ngại về việc đổ bộ hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan, nhất là khi hàng rào thuế quan và các cam kết tự do thương mại được thông qua.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia nhận định, nhu cầu và thói quen tiêu dùng lâu nay của người Việt mới là yếu tố ảnh hưởng đến thị trường bán lẻ này hơn là thương hiệu sản phẩm.

Thói quen tiêu dùng quyết định thị trường

Có thể nói, chợ truyền thống thể hiện rõ nhất thói quen tiêu dùng của người Việt. Người dân có thể chấp nhận mua hàng hóa không rõ xuất xứ, thời hạn bảo quản, thậm chí không bảo đảm vệ sinh, miễn là tiện lợi. Từ đó có thể thấy, thói quen tiêu dùng là cơ sở rất quan trọng để quyết định thị trường.

Khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường tiêu dùng rậm rịch có dấu hiệu “hướng ngoại” và làn sóng hàng ngoại nhập mạnh mẽ là các sản phẩm hàng tiêu dùng có xuất xứ từ Thái Lan. Hiện, hàng hóa của Thái Lan đã hiện diện trên mọi kênh phân phối tại thị trường Việt Nam.

Hàng Thái nhiều năm qua được người tiêu dùng (NTD) Việt ưa chuộng và tín nhiệm, bởi mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh. Khởi điểm xuất hiện của hàng Thái tại Việt Nam chủ yếu thông qua các kỳ hội chợ, cửa hàng tiện lợi…

Cho đến bây giờ, ngoài các cửa hàng chuyên về hàng Thái mọc lên ngày càng nhiều, len lỏi vào tận các khu dân cư, thì hàng Thái Lan còn có mặt ở hầu hết các chợ lớn, nhỏ, cửa hàng tiện ích hay siêu thị, trung tâm thương mại... Một thực tế cho thấy, rất nhiều NTD Việt đã “quen mặt, nhớ tên” với hàng Thái và hình thành thói quen mua sắm.

Thừa nhận thực tế này, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, trên thực tế, hàng Thái đã đổ bộ “thầm lặng” vào nước ta từ hàng chục năm nay thông qua con đường du lịch, hội chợ hàng Thái, hàng xách tay...

Các nhà đầu tư Thái Lan không những thâm nhập vào hệ thống phân phối mà còn thâm nhập vào hệ thống sản xuất và Công ty Cổ phần chăn nuôi CP là một ví dụ, bởi hiện nay các sản phẩm như cánh gà CP, trứng gà CP đã trở nên quen thuộc với NTD...

Giá chỉ nhỉnh hơn các mặt hàng sản xuất trong nước khoảng 5%, nên hàng triệu gia đình Việt Nam đều có  hàng Thái trong nhà.

Bên cạnh đó, có lợi thế về khoảng cách địa lý gần, thuận tiện trong đi lại, nên hàng Thái không chỉ xâm nhập ở lĩnh vực hàng tiêu dùng mà còn ở vật liệu xây dựng, điện máy (như Nguyễn Kim)...

Hàng Việt cần sớm chuyển mình

Ông Vũ Vinh Phú  nhận định, việc những ông chủ người Thái dần chiếm lĩnh các chuỗi bán lẻ và dự báo về một cuộc đổ bộ của thương hiệu Thái vào thị trường Việt là một lo ngại có thật, bởi đây không phải là lần đầu tiên, doanh nghiệp Thái thâu tóm thị trường Việt Nam.

Trước đây, thương vụ Metro Cash&Carry Việt Nam được bán cho tập đoàn Thái Lan đã gióng lên hồi chuông cảnh báo hàng Thái sẽ tràn ngập thị trường và doanh nghiệp (DN) Việt ngày càng phải chịu sự cạnh tranh gay gắt nếu không có những thay đổi kịp thời.

Trở lại thông tin mới đây về việc Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại hệ thống Bic C Việt Nam, đánh giá về “đối thủ” của các DN Việt,  ông Vũ Vinh Phú cho biết: “Đây là một tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Thái.

Cùng với tập đoàn bán lẻ của Thái là BCJ Group, họ đã từng bỏ tiền ra mua 52/ tổng số 98 điểm bán hàng hiện đại (chiếm 50%), trong đó 1 điểm bán có doanh số gấp 5 - 7 lần siêu thị trong nước. Như vậy, việc xâm nhập hàng Thái vào thị trường Việt Nam đã đến ngưỡng phải lo lắng, bởi chúng ta buông lỏng cả bán buôn, đúng ra phải làm phân phối”.

Tuy nhiên, nhìn ở góc độ thói quen và nhu cầu của NTD, hàng Việt sẽ không lo mất thị phần nếu những DN trong nước nắm được xu hướng và thị hiếu NTD. Theo khảo sát của phóng viên, phần lớn NTD đều cho rằng, họ lựa chọn hàng hóa không hẳn vì thương hiệu nước ngoài hay trong nước mà chủ yếu theo chất lượng cũng như giá cả.

“Theo tôi, những năm trước đây dân ta rất chuộng hàng Thái vì mẫu mã đẹp, chất lượng cao hơn hẳn hàng Việt Nam mà giá thì hợp lý. Sau đó hàng TQ cạnh tranh bằng giá rẻ thì hàng Thái gần như bị lãng quên.

Nhưng một thời gian sau, do chất lượng kém, sản phẩm mau hỏng, hàng TQ bị thất thế. Lúc này, hàng Việt bước vào chiến dịch chiếm lĩnh thị trường  nội địa bằng chuỗi cửa hàng “Hàng Việt Nam xuất khẩu”.

Nay hàng Thái đang quay trở lại thì DN Việt Nam cần phải thay đổi về chất lượng, giá cả, phong cách phục vụ thì mới tồn tại được...” – ông Bùi Văn Khương (Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Feroli Việt Nam) cho biết.

Đồng quan điểm trên, ông Vũ Vinh Phú cũng cho rằng thị trường là yếu tố quyết định sản phẩm bày bán trên kệ. Đối sách quan trọng nhất để cạnh tranh với hàng nước ngoài nói chung, hàng Thái Lan nói riêng là DN Việt phải nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, tổ chức hiệu quả các chuỗi khép kín từ sản xuất đến phân phối.

Bên cạnh đó, việc mở rộng các kênh phân phối do tự thân DN làm chủ cũng được xem là hướng đi khôn ngoan để hàng hóa tiếp cận nhanh với NTD và củng cố thương hiệu. Một giải pháp không kém phần quan trọng nữa là NTD chúng ta nên đẩy mạnh đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

“Ngoài việc liên kết, hợp tác, Nhà nước cũng cần có sự hỗ trợ DN trong nước. Sự hỗ trợ ở đây đồng bộ cả phân phối lẫn sản xuất như mặt bằng, đất đai để sản xuất, cơ chế tài chính vay vốn ngân hàng...” – ông Phú cho biết thêm.

Bình luận của bạn