Sơn La: Hàng Việt chinh phục thị trường nông thôn
Hiệu quả từ sự phối hợp
Ông Lê Quang Trung – Phó giám đốc Sở Công Thương Sơn La cho biết, để nâng cao hiệu quả triển khai cuộc vận động (CVĐ), thời gian qua, tỉnh Sơn La đã thành lập các Ban chỉ đạo CVĐ, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng; tổ chức các phiên chợ, hội chợ đưa hàng Việt vào khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, giúp người tiêu dùng tiếp cận và sử dụng hàng Việt Nam chất lượng cao… Nhờ đó, hiệu quả CVĐ thu được rất khả quan.
Người dân chọn mua hàng tại Điểm bán hàng Việt Nam
Ngoài ra, Sở Công Thương Sơn La còn đẩy mạnh xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh và 7 điểm đã được xây dựng thành công. Các Điểm bán hàng Việt Nam được ưu tiên đầu tư xây dựng tại các khu vực mà hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu còn mỏng; hoặc những khu vực tập trung nhiều khách du lịch nhằm hỗ trợ người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hàng sản xuất trong nước có chất lượng tốt với giá cạnh tranh; quảng bá hàng hóa đặc sản địa phương. Hàng hóa được bày bán phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm.Cụ thể, về công tác tuyên truyền, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan truyền thông xây dựng các bản tin về duy trì chuỗi nông sản, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, năm 2018, Sở Công Thương đã tổ chức 18 hội chợ trên địa bàn các huyện, thành phố với gần 300 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia và khoảng 40.000 lượt khách thăm quan mua sắm. Giá trị hàng hóa lưu thông ước hơn 5 tỷ đồng với trên 90% là hàng Việt.
Sau gần 3 năm triển khai, đến nay, các điểm bán thu hút đông đảo người dân đến mua sắm, nhân rộng hơn những hiệu quả của CVĐ khi triển khai trên địa bàn Sơn La. Bà Vũ Thị Huệ - chủ Điểm bán hàng Việt Nam tại tổ 12 - phường Chiềng Lề - TP. Sơn La cho biết, đến nay, tỷ lệ hàng Việt Nam tại cửa hàng đã lên đến 95%.
“Xu hướng của người tiêu dùng Sơn La là ngày càng thích dùng hàng Việt nên từ khi xây dựng mô hình Điểm
bán hàng Việt Nam, cửa hàng của tôi ngày càng đông khách. Đến nay, nhiều sản phẩm của cửa hàng rất được người dân ưa chuộng như: Sữa Mộc Châu, cô gái Hà Lan, TH; mỳ Vifon…” – bà Vũ Thị Huệ cho biết.
Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm địa phương
Song song với việc mang hàng hóa Việt đến với người tiêu dùng địa phương, Sở Công Thương Sơn La còn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư (Trung tâm Xúc tiến Đầu tư) và các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia các gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của Sơn La tại các hội chợ triển lãm lớn do các tỉnh, thành phố tổ chức. Đơn cử, Tuần lễ nhãn và nông sản an toàn Sơn La năm 2018 được tổ chức tại Hà Nội trong tháng 7 và tháng 8 đã thu hút rất đông người tiêu dùng Thủ đô, qua đó quảng bá tốt các sản phẩm nông sản thế mạnh Sơn La đến với người tiêu dùng.
Từ đó, Sở Công Thương cũng tổ chức làm việc với các Sở Công Thương địa phương, cùng các doanh nghiệp phân phối như: Tổng công ty thương mại Hà Nội, các Siêu thị LotteMart, HaproMart, VinMart... ký kết các hợp đồng tiêu thụ ổn định. Đến nay, một số sản phẩm của Sơn La như xoài, nhãn… đã được các kênh phân phối như VinMart, Big C chọn mua và kinh doanh.
“Sơn La đồng thời kêu gọi doanh nghiệp đến địa phương để đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến của Sơn La, đến nay đã có 6 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này” - ông Lê Quang Trung cho hay.
Ông Lê Quang Trung – Phó giám đốc Sở Công Thương Sơn La: CVĐ đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cả hệ thống chính trị, người dân trên địa bàn, tạo sức lan tỏa sâu rộng, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, hình thành nét văn hóa trong sản xuất và tiêu dùng của người dân. |