Sơn La: Hàng Việt phủ sóng vùng khó khăn

Hàng Việt phủ sóng vùng khó khăn 
Ánh minh họa

Để hàng Việt chiếm lĩnh thị trường, chinh phục người tiêu dùng, một trong những giải pháp hàng đầu được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Sơn La tập trung đó là tổ chức các phiên chợ về các huyện vùng cao, huyện biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.

Tại phiên chợ đưa hàng Việt về vùng cao, các doanh nghiệp đã chú trọng đưa về các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, đồ gia dụng với chất lượng cao, giá cạnh tranh.

Nhằm thu hút người tiêu dùng, Ban Tổ chức và các doanh nghiệp đã tìm hiểu kỹ nếp sinh hoạt của người dân, từ đó có phương thức tổ chức phù hợp đưa các phiên chợ trở thành điểm đến hấp dẫn. Trong mỗi phiên chợ các doanh nghiệp thường đưa đến các mặt hàng mà người dân có nhu cầu cao như hàng may mặc, đồ gia dụng, giống cây trồng, lương thực thực phẩm.

Đặc biệt, để đảm bảo người tiêu dùng được sử dụng hàng Việt Nam, Sở Công thương đã chủ động hướng dẫn doanh nghiệp cam kết về tỷ lệ hàng Việt tại phiên chợ ít nhất là 80%, đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý.

Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Sơn La, trong năm 2017, đơn vị này phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức được 3 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi, 14 hội chợ tại 12 huyện, thành phố, với trên 1.200 gian hàng, tổng giá trị trao đổi hàng hóa đạt khoảng 13 tỷ đồng, thu hút trên 150 nghìn lượt khách đến tham quan, mua sắm.

Qua việc tổ chức các hội chợ, phiên chợ hàng Việt, người tiêu đã nhận thức được đầy đủ hơn về tinh thần và ý nghĩa của Cuộc vận động, hiểu rõ hơn về tầm quan trọng và việc ưu tiên sử dụng hàng Việt. Hiện nay, tại các siêu thị, cửa hàng hay các khu chợ truyền thống tại các huyện, tỷ lệ hàng Việt Nam chiếm từ 60 - 80%.

Cùng với việc chú trọng triển khai hoạt động đưa hàng Việt về miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, Sở Công thương tỉnh Sơn La cũng tập trung xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam cố định trên địa bàn các huyện.

Tại 7 điểm bán hàng cố định lượng hàng hóa được bày bán chiếm 100% là hàng được sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm. Hoạt động hiệu quả của các điểm bán hàng Việt Nam cố định đã thu hút đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, bước đầu đã tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm nội địa.

Trong năm 2018, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Sơn La sẽ triển khai mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp đối với cuộc vận động.

Ông Nguyễn Duy Nhượng cho biết, Sở Công thương tỉnh Sơn La sẽ tập trung đẩy mạnh việc thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động bằng việc xây dựng nhiều hơn các điểm bán hàng Việt trong đó, chú trọng tại các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Tỉnh Sơn La đặt mục mục tiêu hướng đến năm 2020, tại 100% các xã, phường, thị trấn, có điểm bán hàng Việt Nam cố định với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” và thị phần hàng Việt Nam chiếm trên 80% tại các kênh phân phối.



 

Bình luận của bạn