Kon Tum: Sức hút từ điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam

Cuối tháng 10 vừa qua, Sở Công thương chính thức đưa vào khai thác điểm bán hàng Việt đầu tiên được đặt tại Siêu thị – nhà sách Hoàng Vũ (huyện Kon Plông). Chỉ sau 1 thời gian ngắn đưa vào hoạt động, điểm bán hàng Việt này cho thấy sức hút đối với người dân địa phương cũng như du khách đến với Kon Plông.

Ông Võ Xuân Sơn – Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Đây là mô hình thí điểm đầu tiên trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 – 2020.

Để xây dựng được điểm bán này, từ đầu năm, Sở Công thương đã tiến hành khảo sát, điều tra thực tế về cơ sở vật chất, nhu cầu của người dân địa phương và du khách rồi phối hợp cùng với doanh nghiệp Hoàng Vũ triển khai thực hiện.

Mục tiêu của việc xây dựng điểm bán hàng Việt này nhằm giúp người dân vùng sâu, vùng xa tiếp cận với hàng Việt Nam dễ dàng hơn, phong phú và đa dạng hơn; đồng thời qua đây cũng tạo kênh giới thiệu các mặt hàng đặc sản của tỉnh; góp phần phát triển hệ thống phân phối hàng Việt, từng bước xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất – phân phối – tiêu dùng.

Khách hàng tham quan, mua sắm các mặt hàng đặc sản địa phương tại điểm bán hàng Việt. Ảnh: T.H

Theo ghi nhận bước đầu, trên 95% số hàng hóa được bày bán tại Siêu thị – nhà sách Hoàng Vũ là hàng trong nước sản xuất; các kệ hàng được trưng bày gọn gàng và hợp lý, bắt mắt; hàng hóa tương đối đa dạng nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có dán tem, nhãn, mác theo quy định.

Với không gian rộng rãi, văn minh lịch sự, sản phẩm hàng hóa dồi dào, phong phú và hầu hết là hàng Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” đã thu hút đông đảo người tiêu dùng trên địa bàn huyện đến tham quan và mua sắm.

Chị Y Thoa (thôn Măng Đen, xã Đăk Long) cho biết: Từ trước đến nay, hàng Việt thường được các cửa hàng bày bán xen kẽ với hàng Trung Quốc, Thái Lan, hàng trôi nổi…, trên địa bàn huyện chưa có nơi nào chỉ bán hàng Việt uy tín, nên mỗi lần muốn mua hàng của nước mình sản xuất tôi cứ phải hỏi người bán. Nay đã có điểm bán hàng Việt chuyên biệt nên người dân chúng tôi an tâm hơn khi mua sắm và dành sự ưu tiên cho hàng Việt. Đồng thời, thông qua việc mua sắm, người dân sẽ biết cách nhận biết, phân biệt hàng Việt chính hãng và hàng không chính hãng, giúp nâng cao kiến thức tiêu dùng.

Đặc biệt, tại điểm bán hàng Việt này, các mặt hàng đặc sản của tỉnh và của Kon Plông như gạo đỏ, chuối rừng, sơn tra, mật ong rừng, sâm dây… được ưu tiên trưng bày ở vị trí thuận lợi nhằm quảng bá, giới thiệu cho khách hàng ở các nơi khác đến với Kon Plông và cũng đã nhận được sự quan tâm của nhiều khách hàng.

Anh Nguyễn Trọng Hải (ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) bày tỏ: Lên Kon Plông, ghé vào Siêu thị Hoàng Vũ tham quan, tôi thích nhất là mua được những mặt hàng đặc sản của địa phương như măng khô, chuối rừng, tiêu rừng, mật ong rừng mà không phải lăn tăn suy nghĩ, đắn đo cân nhắc bởi tất cả các thông tin đều đã được gắn trên sản phẩm rất rõ ràng.

Theo chị Trần Thị Tâm – Quản lý siêu thị Hoàng Vũ cho biết: Từ khi đưa vào khai thác điểm bán hàng Việt này, số lượng người dân đến mua sắm tại siêu thị đông hơn hẳn. Nếu như đa số người dân địa phương tìm đến đây để mua các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, như sữa, thực phẩm chế biến sẵn, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng…; thì khách du lịch từ nơi khác đến đây lại tìm mua các mặt hàng đặc sản của Kon Plông, của tỉnh. Nhờ đó, doanh số bán hàng của đơn vị được tăng lên mỗi ngày.

Để đảm bảo đúng quy chuẩn của điểm bán hàng Việt, Sở Công thương yêu cầu doanh nghiệp bán hàng phải thực hiện tốt khâu tìm nguồn hàng có chất lượng, có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng… Các phòng chuyên môn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở đơn vị kinh doanh để tránh xảy ra tình trạng đưa những mặt hàng kém chất lượng vào bán trà trộn với hàng chính hãng để trục lợi, gây mất niềm tin trong nhân dân…

Trong thời gian đến, Sở Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ để nhân rộng mô hình này tại huyện Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum, đồng thời vận động các doanh nghiệp tham gia mua bán hàng Việt với nguồn vốn của doanh nghiệp. 

Với sự khởi đầu thuận lợi, tin rằng mô hình này sẽ thành công và mang lại hiệu quả kinh tế, ý nghĩa xã hội thiết thực, làm tiền đề để động viên, khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng, nhân rộng thêm các điểm bán hàng mới trong thời gian tới.

Quan trọng hơn, từ hoạt động này sẽ góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt, tạo chỗ đứng của hàng Việt trong lòng người tiêu dùng và mang lại thành công cho Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bình luận của bạn