Tăng cường kết nối hàng Việt ra thế giới

Theo thống kê, có khoảng 170 cơ sở bán lẻ thuộc các loại hình có vốn đầu tư nước ngoài hiện có mặt tại Việt Nam, điển hình là những tên tuổi nổi tiếng như BigC, Lotte Mart, Aeon Mall. Không chỉ ưu tiên phân phối các sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam trong hệ thống của mình tại thị trường nội địa mà các nhà bán lẻ còn tìm hướng tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh bán hàng của họ tại các nước trên thế giới.

Lâu nay, các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam thường chỉ xuất nguyên liệu thô hoặc chủ yếu được chế biến gia công nên không phải trải qua khâu kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt của nước nhập khẩu. Trong khi đó, để có thể thâm nhập thị trường thế giới thì sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước cần phải đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng của nước nhập khẩu. Do vậy, bài toán tiêu chuẩn hoá chất lượng nông sản Việt cho đến tận bây giờ vẫn còn đang đi tìm lời giải.

Ông Robert Kurilo - Trưởng Văn phòng đại diện Trung tâm xuất khẩu Nga tại Hà Nội cho biết: “Các công ty mà xuất khẩu nông sản vào thị trường Nga cũng gặp một số khó khăn vì chất lượng của mặt hàng nông sản chưa đáp ứng nhu cầu và tiêu chuẩn của phía Nga, đấy là vấn đề kỹ thuật mà bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam nên làm việc với Bộ Nông nghiệp của mình và Bộ phát triển kinh tế của Nga để tìm cách đáp ứng các yêu cầu đó trong tương lai.”

Trên thực tế, việc đảm bảo các yêu cầu của các nhà nhập khẩu nước ngoài đối với nhiều doanh nghiệp chế biến nông sản ở nước ta còn khá mới mẻ. Đơn cử là việc Trung Quốc yêu cầu truy xuất nguồn gốc của vải thiều trước khi xuất khẩu bắt đầu từ tháng 4/2018, đã khiến bà con nông dân các vùng trồng vải lâu năm như Thanh Hà (Hải Dương) hay Lục Ngạn (Bắc Giang) rơi vào sự lúng túng. Bởi từ trước đến giờ họ chưa được làm quen với công nghệ mới này. Nó như một rào cản lớn khiến nông sản Việt Nam, mặc dù chất lượng rất tốt nhưng không vượt qua được bức tường “kiểm định chất lượng” bằng số hoá để chu du ra thị trường thế giới.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: “Đây là chính sách mới, các cơ quan doanh nghiệp sản xuất vải thiều của tỉnh đang rất cần những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể. Nếu không giải quyết được sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác tiêu thụ vải thiều năm 2018. Tất nhiên theo báo cáo của Bộ đến giờ phút này thì vẫn thông qua bình thường nhưng chính sách này ảnh hưởng đến vụ vải thiều năm nay là điều chắc chắn.”

Trong kế hoạch năm 2018, Bộ Công Thương dự kiến triển khai trong khuôn khổ đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020”, gồm 3 loại hình hoạt động. Đó là các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và các tập đoàn phân phối nước ngoài thông qua các hội thảo, các đoàn xúc tiến thương mại hay các hoạt động xúc tiến thương mại khác, tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực tiếp cận các hãng phân phối ở nước ngoài cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, và tiếp tục hoàn thiện và cập nhật cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và các hàng phân phối nước ngoài.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: “Thời gian qua Bộ Công Thương cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều chương trình về nâng cao năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và Bộ Công Thương còn có chương trình khuyến công để hỗ trợ các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn chế biến ra những sản phẩm nông nghiệp nông thôn bằng cách tư vấn về công nghệ."

Tiêu chuẩn chất lượng cộng với giá trị gia tăng từ ứng dụng công nghệ là các yếu tố căn cơ để thúc đẩy nông sản, thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề khó khăn của hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để làm được điều này, vai trò của các bộ ngành chủ quản phải rất sát sườn.

Bình luận của bạn