Tăng độ tin cậy sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn

 

Hội thảo kết nối giữa người sản xuất, doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng nằm trong Dự án JICA.

Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Trần Xuân Định: Dự án "Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc" do JICA hỗ trợ tại các tỉnh, thành phố: Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Nội đã góp phần hình thành chuỗi cung ứng rau an toàn cho các địa phương tham gia mô hình. Dự án được triển khai từ năm 2016, trong đó TP Hà Nội là thị trường tiêu thụ sản phẩm, còn các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam là vùng sản xuất. 

Dự án đã hỗ trợ nông dân áp dụng kỹ thuật sản xuất an toàn và tổ chức hệ thống phân phối, bán hàng tập trung bảo đảm độ an toàn, chất lượng. Tuy nhiên, quá trình xây dựng chuỗi giá trị tin cậy sẽ không thể hoàn chỉnh nếu không có sự tham gia của người mua tin cậy. Do đó, vai trò xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu có ý nghĩa và đóng vai trò quan trọng. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Gia Phương cho hay: Với hơn 10 triệu người dân đang sinh sống và hằng năm đón khoảng 21 triệu lượt khách du lịch, Hà Nội cần lượng lương thực, thực phẩm an toàn khá lớn. Trong khi đó, khả năng sản xuất tại chỗ của ngành Nông nghiệp Hà Nội mới bảo đảm từ 55 đến 60%. Hiện nay các sản phẩm nhập từ các tỉnh, thành phố về thị trường Hà Nội tiêu thụ chủ yếu do thương lái thu gom và cung cấp về các chợ đầu mối, chiếm từ 75 đến 80%. Sau đó được chuyển đi các chợ dân sinh, cửa hàng bán thực phẩm… Vì vậy, việc tìm ra những địa chỉ cung ứng nông sản an toàn là cần thiết, góp phần tích cực trong việc quản lý chất lượng nông sản trên địa bàn Hà Nội.

Theo Sở NN&PTNT, hiện việc phân phối, tiêu thụ rau trên địa bàn thành phố có 6 hình thức chính, trong đó hình thức bán buôn thông qua chợ đầu mối, sau đó phân phối tới các chợ lẻ, chợ cóc vẫn chiếm tới gần 56%, tỷ lệ tiêu thụ thông qua hợp đồng với các hợp tác xã, doanh nghiệp còn ít. Chị Nguyễn Thanh Phương, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy cho biết: Việc tổ chức các hội chợ, hội thảo, kết nối nông sản an toàn được người tiêu dùng Thủ đô rất quan tâm. Qua hội thảo, hội chợ người tiêu dùng nhận biết những địa chỉ bán nông sản tin cậy.

Không chỉ người tiêu dùng, mà các nhà sản xuất tham gia dự án do JICA hỗ trợ cũng đã tự nâng cao trình độ sản xuất, ổn định thị trường tiêu thụ. Là một trong những đơn vị tham gia dự án của JICA, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp Yên Phú (tỉnh Hưng Yên) Nguyễn Hữu Hưng chia sẻ: Tham gia dự án, hợp tác xã được hỗ trợ về đào tạo, tập huấn theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); giám sát, hướng dẫn tại đồng ruộng và ghi chép nhật ký đồng ruộng cho xã viên… Mặc dù các sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã được các bếp ăn tập thể, cửa hàng thực phẩm an toàn thu mua nhưng do không có hợp đồng đặt hàng trước nên gây khó khăn cho hợp tác xã trong xây dựng kế hoạch sản xuất. Tuy nhiên, sau khi được kết nối cung cấp cho VinEco, toàn bộ sản phẩm được ký hợp đồng tiêu thụ, từ đó hợp tác xã đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất các chủng loại rau cho xã viên.

Để tiếp tục hỗ trợ chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ rau an toàn cho các tỉnh phía Bắc, thời gian tới, Dự án "Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc" do JICA tài trợ tiếp tục được triển khai đến năm 2021.
Bình luận của bạn