Tăng hiệu quả của Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn
Người tiêu dùng mua hàng tại phiên chợ hàng Việt Nam tổ chức tại huyện Thạch Thất (Hà Nội). Ảnh: LÊ NAM
Theo lãnh đạo Sở Công thương TP Hà Nội, dịp cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán Kỷ Hợi năm 2019, dự báo nhu cầu, khả năng cung ứng hàng hóa thiết yếu sẽ tăng cao, cũng là thời điểm thuận lợi đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Cùng với việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, khai thác nguồn hàng đa dạng, phong phú, các DN cũng tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá... nhằm kích cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng thông qua các hình thức mua bán truyền thống và mua bán hàng trực tuyến (online). Để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, dịp cuối năm 2018, Sở Công thương TP Hà Nội đã phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã khảo sát, tổ chức các điểm bán hàng phục vụ người dân như: Tổ chức các chuyến bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội, các khu công nghiệp, khu chế xuất để đáp ứng nhu cầu mua sắm phục vụ Tết của nhân dân. Phần lớn các chương trình này đều nhằm hỗ trợ DN đưa hàng Việt về nông thôn. Ngoài ra, các DN còn tự tổ chức bán hàng lưu động ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tại các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tất cả hàng hóa được bày bán đều được sản xuất trong nước, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá kèm theo. Hàng hóa tham gia chương trình chủ yếu tập trung vào nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các nhóm hàng tham gia chương trình bình ổn giá, quần áo, giày dép, đồ gia dụng…, với mẫu mã đa dạng, giá hợp lý.
Thực tế cho thấy, kết quả nổi bật nhất từ Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa DN và người dân khu vực nông thôn, mà còn góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người tiêu dùng, đồng thời thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng Việt. Người dân khu vực nông thôn còn có thêm cơ hội để tham quan, mua sắm những mặt hàng chất lượng cao, do DN trong nước sản xuất. Từ đó, có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với những hàng nhập từ nước ngoài được bày bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường. Với DN, các phiên chợ hàng Việt đã giúp họ quảng bá, giới thiệu và tiếp cận được thị trường, cũng là cơ hội nắm bắt nhu cầu, thị hiếu và sức mua của người dân khu vực nông thôn, từ đó đưa ra được những chiến lược kinh doanh phù hợp hơn.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, cho đến nay, Chương trình thực hiện ở một số địa phương vẫn mang nặng tính phong trào, thiếu sự bền vững. Số lượng DN có các điểm bán hàng, đại lý bán hàng tại các khu vực miền núi, nông thôn chưa nhiều. Do vậy, việc tổ chức không ít phiên chợ hàng Việt về nông thôn khá rời rạc, thiếu liên kết, đã tạo ra sự nhàm chán cho cả DN và cả người tiêu dùng. Thậm chí, có một vài DN coi chương trình này chỉ là đợt bán hàng mang tính chất thời vụ, cho nên chưa coi trọng khách hàng. Thậm chí, một số đối tượng lợi dụng trà trộn đưa hàng lỗi mốt, hàng tồn, hàng kém chất lượng về thị trường nông thôn để tiêu thụ.. Mặt khác, các chuyến hàng khi về đến các xã, nhất là vùng sâu, vùng xa, thường chỉ diễn ra trong một thời gian rất ngắn và không cố định; hàng hóa, mẫu mã sản phẩm chưa phong phú, đa dạng, chất lượng không ổn định, cho nên chưa thu hút được người mua.
Hiệu quả của những chuyến hàng và Phiên chợ hàng Việt về nông thôn là rất rõ, nhưng để đạt kết quả bền vững và quan trọng hơn là tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng, rất cần một chiến lược dài hơi, đồng bộ, hiệu quả và linh hoạt. Muốn làm được điều này, trước hết, các ngành chức năng cần tập trung thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, để thu hút người dân đến tham quan, mua sắm. Cần lựa chọn những DN có uy tín, cũng như các loại hàng hóa đa dạng, phong phú với mẫu mã, giá cả phù hợp nhu cầu, thị hiếu của người dân khu vực nông thôn, miền núi. Phối hợp chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan làm tốt công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, gian hàng, phục vụ tốt việc tổ chức phiên chợ. Nhà nước cần tiếp tục tăng cường kinh phí cho việc xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm soát hàng hóa, phòng, chống các hành vi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng.. nhằm bảo vệ, hỗ trợ người tiêu dùng.