Tăng sức cạnh tranh cho thị trường nội địa

Để chinh phục những cơ hội và thách thức mới của năm 2018, Bộ Công Thương cho biết sẽ đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy phát triển thương mại nội địa. 



Theo ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), năm 2017, nền kinh tế nói chung và thị trường hàng hóa nói riêng tiếp tục có những chuyển biến khởi sắc, giá hàng hóa thế giới năm 2017 có diễn biến tăng giảm đan xen.

Giá tăng chủ yếu đối với nhóm hàng năng lượng, nông sản và giảm đối với nhóm hàng kim loại (trừ kim loại quý). 


Cùng đó, thị trường hàng hóa diễn biến tương đối ổn định và có sự phối hợp điều hành tốt giữa các Bộ, ngành cùng các địa phương.

Nhìn chung, trong năm 2017, mặt bằng giá hàng hóa chủ yếu chịu ảnh hưởng của các nhóm hàng do Nhà nước quản lý (phí dịch vụ y tế, giáo dục tăng giá theo lộ trình).

Tuy nhiên, do có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ ngành nên chỉ tiêu lạm phát vẫn dưới mức Quốc hội giao. 

Bằng việc điều hành linh hoạt thị trường, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ năm 2017 đã đạt 3.934.186 tỷ đồng, tăng 10,86% so với năm 2016.

Trong đó, các nhóm hàng lương thực, thực phẩm, lưu trú ăn uống, du lịch, văn hóa phẩm giáo dục đều đạt mức tăng khá (10,16 - 11,85%) bởi loại hình du lịch ngày càng phát triển.

Ngoài ra, sự phối hợp của các công ty lữ hành mở ra nhiều chương trình du lịch trong và ngoài nước hấp dẫn. 

Hơn nữa, sự phục hồi của nền kinh tế là yếu tố quan trọng giúp gia tăng niềm tin và thu nhập cho dân cư. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ năm 2017 tăng 9,46% so với năm 2016 và là mức tăng khá tốt trong một số năm trở lại đây (năm 2016 chỉ tăng 8,33%).

CPI bình quân cả năm chỉ tăng 3,53% so với bình quân năm 2016 (dưới mức chỉ tiêu 4% Quốc hội giao). 

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2018, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của một số yếu tố như xu hướng tăng giá của nhóm hàng nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới từ cuối năm 2017 đẩy sang. 

Mặt khác, thời tiết diễn biến bất thường hơn sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất nông nghiệp và cung cầu các mặt hàng thiết yếu. Các hàng hóa dịch vụ Nhà nước quản lý giá như điện, y tế, giáo dục… tiếp tục điều chỉnh tăng theo lộ trình.

Đặc biệt, mặt hàng giá thực phẩm thấp chính là thách thức lớn cho việc điều hành giá năm 2017 bởi đây là nhóm ngành hàng có tỷ trọng lớn trong CPI. 

Do vậy, để thúc đẩy thương mại nội địa phát triển, ngành công thương đã, đang tập trung triển khai 71 dự án, nhiệm vụ thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn đến năm 2020. 

Trong đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, đặc biệt là các dịp lễ, Tết và dịp cuối năm; xem xét và triển khai các chương trình lớn và có sức lan tỏa nhiều hơn thay vì những chương trình nhỏ, trùng lặp, kinh phí ít. 

Bộ Công Thương cũng triển khai các chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa và bình ổn thị trường nhằm tạo nguồn hàng dồi dào và giá cả ổn định cho người tiêu dùng.

Không những thế, Bộ còn định hướng cho doanh nghiệp hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa, tập trung trước hết vào các chuỗi hàng nông sản thực phẩm thiết yếu của thị trường, xã hội. 

Ngoài ra, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa cải thiện chất lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh. Tập trung các giải pháp quản lý thị trường, chống hàng nhái, hàng giả, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp. 

Đáng lưu ý, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn; hội chợ hàng Việt… để cung cấp đầy đủ hàng hóa, tăng sức mua cho khu vực này, góp phần tăng trưởng thương mại nội địa. 

Theo ông Trần Duy Đông, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý cho Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu đến năm 2025 đạt hơn 11 triệu tỷ đồng và năm 2035 đạt gần 44 triệu tỷ đồng. 

Tuy nhiên, để ổn định và phát triển thị trường nội địa, Bộ Công Thương kiến nghị các Bộ ngành cần tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường, chủ động và linh hoạt thực hiện các chính sách có liên quan nhằm kiểm soát lạm phát. 

Cùng đó, phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến thị trường cung cầu hàng hóa, giá cả thị trường; chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường nhằm đảm bảo sản xuất, đáp ứng nhu cầu xã hội, không thiếu hàng sốt giá. 

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước, kết hợp với đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, hỗ trợ sản xuất hàng hóa trong nước thay thế nhập khẩu. 

Đặc biệt, kiện toàn Tổ điều hành thị trường trong nước, có đề xuất cụ thể để tăng tính hiệu quả trong việc thực hiện chức năng điều tiết cung cấp các mặt hàng thiết yếu của Nhà nước khi cần thiết. 

Hơn nữa, Bộ Công Thương tập trung tổ chức tốt công tác thông tin dự báo để chủ động, bám sát thị trường trong công tác điều hành, đề xuất các giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát.

Đặc biệt, tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, đảm bảo cung ứng tốt các mặt hàng thiết yếu; xử lý nghiêm những hành vi găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại góp phần ổn định thị trường hàng hóa trong năm 2018 và những năm tiếp theo./.

Bình luận của bạn