Tăng sức cạnh tranh và giá bán cho chè Việt

Việt Nam là một trong năm quốc gia xuất khẩu chè lớn nhất thế giới với thị trường lên đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, do chưa xây dựng được thương hiệu, hầu hết sản phẩm có giá trị xuất khẩu thấp, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Sản lượng cao, giá thấp

Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đến hết năm 2016, diện tích chè cả nước đạt 133,4 nghìn ha, trong đó diện tích chè kinh doanh là 115 nghìn ha với năng suất bình quân đạt 86,9 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt hơn một triệu tấn. Nhiều vùng chè cho năng suất cao và chất lượng tốt, nổi tiếng trong nước như: Tân Cương (Thái Nguyên), Mộc Châu (Sơn La), Bảo Lộc (Lâm Đồng)... Hiện nay, khoảng 90% sản lượng chè xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở dạng nguyên liệu thô, chưa qua chế biến cho nên giá trị tăng thấp, chủ yếu xuất khẩu vào thị trường dễ tính, rất ít sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường yêu cầu chất lượng cao như EU. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá chè đen xuất khẩu của Việt Nam thường thấp hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại của thế giới. Cụ thể, giá chè trung bình giữa tháng 9 của thế giới khoảng 2,6 USD/kg, chè loại tốt nhất có thể lên đến 3,5 đến 4,3 USD/kg, thì giá chè đen bình quân tám tháng đầu năm 2017 của Việt Nam chỉ bằng 60 đến 70% so với các nước. Giá bán thấp là thực trạng diễn ra từ nhiều năm nay. Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng chè của nước ta chưa cao, sản phẩm chưa có thương hiệu. Thực tế, thay vì nâng cao chất lượng, tạo dựng thương hiệu, các doanh nghiệp lại lựa chọn giải pháp bán xô, bán trong những bao tải 50 kg, chứ không làm ra những sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng cuối cùng.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Việt cho biết, năm 2016, các cơ sở ở Tuyên Quang chế biến được 8.681 tấn chè thành phẩm, trong đó có 5.121 tấn chè xanh, 3.560 tấn chè đen. Tiêu thụ đạt 8.098 tấn, cụ thể tiêu thụ nội địa 4.031 tấn, xuất khẩu 4.054 tấn. Giá bán nội địa nhóm sản phẩm chưa có thương hiệu đạt từ 60 đến 80 triệu đồng/tấn, nhóm đã có thương hiệu đạt từ 100 đến 120 triệu đồng/tấn, cá biệt sản phẩm chè Bát Tiên, Mỹ Bằng giá bán từ 350 đến 500 triệu đồng/tấn (350.000 đến 500.000 đồng/kg). Trong nước, những sản phẩm chè có thương hiệu giữ được mức giá tương đối ổn định. Tuy nhiên, đối với xuất khẩu, sản phẩm chè của Tuyên Quang chủ yếu xuất sang các thị trường có yêu cầu chất lượng không cao (Trung Đông, Trung Quốc,...) cho nên giá bán thấp. Cụ thể, giá chè đen xuất khẩu bình quân khoảng 1,5 đến 1,7 USD/kg; chè xanh khoảng 2 đến 2,4 USD/kg. Mức giá này chỉ bằng 70% giá bán bình quân của sản phẩm chè thế giới.

Xây dựng thương hiệu cho chè

Để góp phần tăng sức cạnh tranh, giá bán cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu chè, việc xây dựng, áp dụng thương hiệu cho chè xuất khẩu của Việt Nam rất quan trọng. Ngành chè từng xây dựng được logo chè dùng chung với mục đích xây dựng thương hiệu chè Việt. Tuy nhiên, đến nay việc sử dụng logo thương hiệu chung cho chè Việt vẫn chưa đi vào thực tế. Nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị liên quan chưa thống nhất được các tiêu chuẩn chất lượng chung, mức phí đóng góp cũng như chưa phân định được quyền sở hữu thương hiệu. Trong khi đó, các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chè lại thiếu gắn kết trong sử dụng thương hiệu chung. Nếu không giải quyết được những khúc mắc trên, ngành chè khó có thể thành công trong việc xây dựng thương hiệu.

Giám đốc Công ty chè Tân Cương Hoàng Bình (Thái Nguyên) Đỗ Thị Đức Lý chia sẻ: Nhiều sản phẩm của công ty đã có mặt tại các thị trường như Anh, Pháp, Mỹ... nhưng phần lớn là xuất chè dưới dạng “bao tải”. Để nâng cao vị thế, thương hiệu của chè Việt Nam, đòi hỏi phải có sự chung tay của cả ngành, thực hiện một chiến lược quốc gia, quảng bá, khẳng định thương hiệu chè Việt Nam trên trường quốc tế. Trước tiên, người sản xuất phải tạo ra sản phẩm chất lượng. Muốn vậy cần tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong việc trồng, chăm sóc, sơ chế; tạo được vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài, nhất là phải tổ chức dịch vụ bảo vệ thực vật tập trung thay thế cho việc các hộ nhận khoán và hộ nông dân tự ý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Có như thế mới hy vọng kiểm soát được tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật và hoạt chất độc hại trong thuốc trên sản phẩm, bảo đảm an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng chè. 

 

Bình luận của bạn