Tạo nguồn thực phẩm sạch

Nuôi giun quế làm nguồn thức ăn chăn nuôi để cho ra đời những sản phẩm lợn sạch, gà sạch, trang trại của bà Nguyễn Thị Liên, ở thôn Tân Phú, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn đã mang lại cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn mới...

Trang trại rộng hơn 3.000 m2 của bà Nguyễn Thị Liên, trong đó có hơn 2.000 m2 nuôi giun, 500 m2 nuôi hơn 300 con lợn, hàng trăm con gà, nhưng tuyệt nhiên không có mùi khó chịu. Ðưa chúng tôi đi thăm chuồng trại, nơi ủ phân, ươm giun, bà Nguyễn Thị Liên giới thiệu: "Sử dụng giun quế cho chăn nuôi giúp mang lại sản phẩm thịt lợn, gà thơm ngon và an toàn hơn so với sử dụng thức ăn công nghiệp".

Về hưu từ năm 2002, bà Liên sau một thời gian tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm đã dùng toàn bộ số tiền dành dụm, tiết kiệm được để đầu tư nuôi giun quế. Chỉ hơn một năm sau, số giun nuôi được đã đủ để bà dùng làm thức ăn nuôi lợn, gà. Với phương châm không chỉ cung cấp những sản phẩm có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng, mà còn giúp bảo vệ môi trường và sức khỏe người chăn nuôi, trại nuôi giun quế của bà Liên đã thực hiện quy trình nuôi lợn, gà nghiêm ngặt từ khâu chọn giống đến khâu thu hoạch. Tất cả các công đoạn nuôi giun, nấu cám đều được thực hiện theo đúng quy trình. Thức ăn cho lợn, gà hoàn toàn được chế biến từ giun quế và các sản phẩm nông nghiệp sạch, được nấu chín. Mười năm mày mò nuôi giun quế để chế biến làm thức ăn cho lợn, gà, hiện giờ trang trại của bà Liên lúc nào cũng có hơn 300 con lợn, 500 con gà. Hằng tuần, trang trại cung ứng cho các đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch tại Hà Nội khoảng 1.000 kg thịt lợn nuôi bằng giun quế. Hằng tháng, trang trại cung ứng cho thị trường miền bắc khoảng một tấn giun giống. Một số đơn vị chế biến sinh phẩm hằng tháng cũng đều đặn thu mua khoảng 100 kg giun khô. Trừ chi phí, số tiền lãi mà bà Liên thu được khoảng 30 triệu đồng/tháng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, trại nuôi giun quế của bà Liên còn tạo việc làm thường xuyên cho khoảng mười lao động địa phương. Nhiều hộ có thêm thu nhập từ việc bán phân gia súc, gia cầm cho trại giun quế. Trại đang trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp giống giun, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ nuôi và chế biến giun cho nông dân để họ có thể phục vụ việc chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

Trong khi giá thịt lợn trên thị trường xuống giá kỷ lục, mức tiêu thụ chậm, thì trang trại của bà Liên mỗi ngày vẫn đều đặn xuất chuồng khoảng mười con lợn giao cho các địa chỉ bán thực phẩm sạch trong thành phố. Ðáng chú ý, nhiều nông dân nhận thấy hiệu quả của việc chăn nuôi lợn từ giun quế cho nên mở rộng thêm các trại vệ tinh với số lượng hơn 400 con lợn. Sắp tới, trại sẽ đưa khu giết mổ vào vận hành, thay vì bán thịt lợn hơi như hiện nay, các sản phẩm thịt lợn sẽ được chế biến và đóng gói ngay tại trang trại, bảo đảm quy trình khép kín, vệ sinh.

Nói về việc phát triển mô hình trại giun quế trong thời gian tới, bà Liên chia sẻ: Nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch hiện nay của người dân rất lớn, để thịt lợn giun quế phát triển và đến tay được nhiều người tiêu dùng, tôi sẵn sàng cung cấp kỹ thuật và kinh nghiệm cho những ai quan tâm. Tôi cũng đang nỗ lực cao nhất để giữ gìn và nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường một cách tốt nhất và cung ứng ngày một nhiều hơn các thực phẩm sạch, đúng nghĩa "sạch từ trang trại tới bàn ăn". Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Cường Trần Thị Nụ cho biết: Mô hình trang trại nuôi giun quế của bà Nguyễn Thị Liên là một điểm sáng về gương phụ nữ làm kinh tế giỏi. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, bà Liên còn giúp nhiều hộ gia đình ổn định đời sống, làm giàu ngay trên quê hương.

Bình luận của bạn