Tạo niềm tin cho người tiêu dùng

Sau hơn tám năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”(CVĐ) đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Từ việc thay đổi thói quen mua sắm, người tiêu dùng ngày càng hài lòng và hướng tới việc lựa chọn sử dụng hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số bất cập, tại một số địa phương vẫn còn tình trạng trà trộn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…

Theo lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội, nhằm đẩy mạnh CVĐ, Sở đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch tổ chức các phiên chợ hàng Việt tại các huyện ngoại thành, đưa hàng về nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất, góp phần phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, người lao động trên địa bàn thành phố. Phối hợp cùng Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, UBND các huyện, thị xã và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại tổ chức thực hiện khảo sát địa điểm tại các xã, phường, thị trấn, khu công nghiệp, khu chế xuất tìm hiểu nhu cầu người dân, người lao động và giá cả thị trường từng khu vực, xây dựng lịch tổ chức các chuyến bán hàng phục vụ nhân dân, người lao động.

Thực hiện tuyên truyền qua hệ thống loa đài của huyện, xã, thôn và khu công nghiệp, phát tờ rơi để nhân dân, người lao động biết, đến tham quan, mua sắm. Trong năm 2017, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân, Sở Công thương đã tổ chức hơn 490 chuyến bán hàng lưu động về các huyện ngoại thành, các khu công nghiệp, khu chế xuất; năm Hội chợ hàng Việt phục vụ Tết Nguyên đán, 10 phiên chợ Việt, một chợ Tết phục vụ nhân dân khu vực ngoại thành; tổ chức các hội chợ hàng Việt, phiên chợ hàng Việt, chợ hoa xuân, các chuyến đưa hàng về vùng xa trung tâm...

Nhìn chung, CVĐ đã hình thành một phong trào mạnh mẽ trong mọi tầng lớp nhân dân, tạo ra xu hướng lựa chọn tiêu dùng hàng sản xuất trong nước. Từ chỗ người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam đã chinh phục được người tiêu dùng. Thay vì mua sắm hàng nhập ngoại, người tiêu dùng đã hướng tới các sản phẩm sản xuất trong nước cùng loại có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng. Đến nay, tỷ lệ hàng Việt đến tay người tiêu dùng qua các kênh phân phối hiện đại chiếm 85% đến 95%; chợ truyền thống chiếm 65% đến 75% và tỷ lệ mua sắm, tiêu dùng hàng Việt ngày càng cao. Hàng hóa sản xuất trong nước không chỉ phổ biến tại chợ truyền thống, các cửa hàng tạp hóa nằm trong các khu dân cư mà còn chiếm tỷ lệ cao tại các siêu thị.

Theo thống kê, hàng Việt tại chợ truyền thống chiếm từ 60 đến 80%. Tại một số hệ thống siêu thị hiện nay có tới 90% lượng hàng hóa là hàng Việt Nam với nhiều thương hiệu như Vinamilk, TH true milk, Thiên Long, Việt Tiến, Hữu Nghị… Bà Nguyễn Thị Vân ở huyện Quốc Oai (Hà Nội) cho biết: “Hàng Việt Nam, nhất là hàng tiêu dùng, giờ đây rất đa dạng chủng loại, mẫu mã…, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Chất lượng các sản phẩm ngày càng cao không thua kém gì các sản phẩm nhập khẩu cùng loại, giá bán phù hợp hơn với “túi tiền” của phần lớn người tiêu dùng Việt. Vì vậy, gia đình tôi luôn tin tưởng và ủng hộ hàng sản xuất trong nước. Hy vọng rằng, các doanh nghiệp Việt luôn giữ vững uy tín, chất lượng và nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Không thể phủ nhận, việc thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt nhiều kết quả trên tất cả các lĩnh vực tuyên truyền, vận động, quản lý sản xuất, kinh doanh, mua sắm công, tiêu dùng cá nhân… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực hiện CVĐ trong thời gian qua còn nhiều hạn chế. Cụ thể, quá trình triển khai thực hiện có nơi còn hình thức, chưa đánh giá so sánh chất lượng hàng trong nước và hàng nhập khẩu để người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn, nhiều người Việt Nam vẫn còn tâm lý sính hàng ngoại. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lợi dụng thương hiệu, làm ăn gian dối, nhập hàng kém chất lượng, gắn mác hàng Việt và bán với giá cao, đã làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không chỉ là để bảo vệ người sản xuất, hàng hóa trong nước, mà còn là sự khích lệ tinh thần vươn lên, cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp Việt Nam. Để CVĐ thật sự có hiệu quả, tác động rõ rệt đến nền sản xuất trong nước, các ngành chức năng cần tập trung tuyên truyền sâu hơn tới giới trẻ, nông dân, người có thu nhập thấp, người dân ở vùng nông thôn, vùng xa trung tâm, tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận hàng Việt. Vận động các doanh nghiệp, các làng nghề nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từng bước xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa.

Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức các chương trình bán hàng bình ổn giá, các phiên chợ hàng Việt, tuần hàng Việt, đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất với mật độ, thời gian tổ chức dài ngày để hình thành thói quen tiêu dùng hàng Việt, tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và người dân. Các mặt hàng cần được nghiên cứu phù hợp nhu cầu, thị hiếu, giá cả ở từng địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kinh doanh các mặt hàng bình ổn giá, bảo đảm thực hiện đúng yêu cầu về chất lượng, giá cả, mẫu mã, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, sản phẩm.

Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, điều quan trọng là các doanh nghiệp cần xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng, thông qua công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Phát huy thế mạnh của các hội, hiệp hội trong việc liên kết hỗ trợ các doanh nghiệp về sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ hội nhập. Nắm bắt thông tin về doanh nghiệp thông qua các kênh như Chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” để tháo gỡ khó khăn và tôn vinh doanh nghiệp.

Bình luận của bạn