Tạo niềm tin để người Việt dùng hàng Việt
Ngày 15-3, Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã họp triển khai nhiệm vụ công tác năm 2016. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân-Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì.
Theo báo cáo của Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim, hiện Bộ Công thương đang tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc bộ mở rộng hệ thống phấn phối, đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng. Tổ chức Chương trình Tuần nhận diện hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” năm 2015 trên phạm vi toàn quốc, trong đó tập trung vào triển khai các hoạt động tuyên truyền quảng bá rộng rãi trong xã hội về hàng hóa, dịch vụ và doanh nghiệp Việt Nam uy tín để người tiêu dùng dễ dàng biết đến và ưu tiên trong mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam, tập trung tại 3 thành phố lớn dại diện cho 3 miền Bắc - Trung - Nam (Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM). Đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020. Xây dựng Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 với mục tiêu phấn đấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á, tại các quốc gia ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam, cung ứng tới kiều bào Việt Nam tại nước ngoài. Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2014-2020 đang được triển khai sâu rộng…
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân -Trưởng Ban chỉ đạo người Việt ưu tiên dùng hàng Việt.
Theo ông Vũ Trọng Kim, cuộc vận động đã nâng cao nhận thức của người dân trong việc lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt, giúp doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, không ngừng cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, đảm bảo sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc thông tin, giới thiệu những sản phẩm nông nghiệp đến với người tiêu dùng còn ít. Tình trạng hàng nhập lậu giá rẻ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn khá phổ biến, gây thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng và sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng chưa nhận thức rõ mục tiêu của cuộc vận động đối với sự phát triển bền vững kinh tế đất nước, còn có tư tưởng ham giá rẻ nhập khẩu, còn mang tâm lý sính hàng ngoại mà chưa chú trọng dùng hàng Việt…
Để cuộc vận động thực sự có hiệu quả, tác động rõ rệt đến nền sản xuất trong nước, Ban chỉ đạo đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng sớm hoàn thiện văn bản dưới Luật, đồng bộ đủ các điều kiện pháp lý nhằm quản lý, xử lý các hành vi thao túng làm lũng đoạn thị trường; hạn chế các hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ sản xuất, lưu thông hàng hóa nội địa; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường nông thôn. Đặc biệt, để tạo niềm tin của người tiêu dùng, cần tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đề cao trách nhiệm gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng hoá thương hiệu Việt Nam
Theo ông Bùi Văn Cường, Bí thư đảng ủy khối doanh nghiệp TƯ, điều quyết định để người tiêu dùng mua hàng là hàng hóa phải tốt, giá cạnh tranh, khâu phân phối tốt. Hiện nay, khâu phân phối hàng hóa còn có vấn đề. “Cần có hội nghị toàn quốc với các doanh nghiệp trong nước để tăng cường công tác truyền thông, cần sự chung sức của các doanh nghiệp, không thể chỉ là từ phía nhà nước. Cần có những giải pháp thu hút người tiêu dùng, ví dụ có thẻ tích điểm khi mua hàng Việt”, ông Cường đề nghị.
Còn theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, bài học kinh nghiệm tiêu thụ vải thiều Bắc Giang cho thấy, khi chưa được tập trung tuyên truyền, đẩy mạnh khâu phối hợp phân phối thì trước năm 2015, vải thiều chủ yếu tiêu thụ ở phía bắc, nhưng từ năm 2015, vải thiều đã tiêu thụ 60% ở thị trường phía Nam. “Chúng ta hoàn toàn có thể kết hợp ở trung ương-địa phương để làm thành những chuỗi sản xuất, phân phối. Năm 2016 cần tính đến cách làm này, bộ ngành - địa phương phối hợp chọn một số mặt hàng để đẩy mạnh khâu tuyên truyền, phân phối, đưa hàng đến người tiêu dùng. Tránh cách làm dàn trải, bộ ngành, địa phương nào cũng tham gia cuộc vận động nhưng hiệu quả vẫn thấp”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi ý.