Tập trung phát triển thị trường nội địa
Là nhóm hàng đóng vai trò quan trọng trong đời sống nhân dân, tần suất sử dụng cao, nhu cầu lớn... do đó, nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm giúp nhóm hàng tiêu dùng nhanh chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Giữ vững vị thế
Theo định nghĩa của Công ty Nielsen và Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, nhóm hàng tiêu dùng nhanh bao gồm nhiều chủng loại hàng tiêu dùng. Các mặt hàng tiêu dùng nhanh được xét dựa trên những tiêu chí như: Khả năng mua lại của khách hàng rất cao, thời gian sử dụng ngắn, mặt hàng được đưa đến tay người dùng thông qua hệ thống bán lẻ.5 năm qua, nhiều mặt hàng tiêu dùng nhanh như: Nước mắm, dầu thực vật, sữa tươi... đã có sự tăng trưởng đáng ghi nhận. Doanh nghiệp (DN) trong nước bứt phá đáng kể về đầu tư, đổi mới khoa học - công nghệ, phát triển hệ thống phân phối trong tình hình kinh tế khó khăn. Cụ thể: Với mặt hàng cà phê rang xay và hòa tan, thống kê của Nielsen Việt Nam cho thấy: Hiện có 20 nhà sản xuất cà phê hòa tan tại Việt Nam, tiêu thụ cà phê hòa tan tại Việt Nam tăng 5% trong năm 2014, đáp ứng trên 90% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Riêng với mặt hàng sữa, do là sản phẩm thiết yếu nên ngành sản xuất này vẫn giữ được mức tăng trưởng 2 con số. Những năm tới, ngành sữa có tiềm năng lớn khi nhu cầu tiêu thụ được dự báo tăng trưởng 9%/năm, đạt mức 27 - 28 lít sữa/người/năm vào năm 2020 (thời điểm 2014 là 19 - 20 lít sữa/người/năm). Trong đó, sữa chua Việt Nam chiếm hơn 95% thị phần. Những mặt hàng khác như: Bánh kẹo, nước mắm, mỳ ăn liền... cũng có tốc độ tiêu thụ đáng kể.
Để hỗ trợ DN tiêu dùng nhanh chiếm lĩnh thị trường, thời gian qua, Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh, thành phố đã triển khai liên tục và thường xuyên hoạt động kết nối cung cầu, gắn kết thị trường giữa nhiều vùng miền trong nước. Bên cạnh đó, tích cực triển khai thực hiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống phân phối. Theo đó, đã có trên 10.000 điểm bán hàng thuộc chương trình bình ổn thị trường được triển khai. Hàng Việt Nam uy tín, chất lượng được thông tin mạnh mẽ trên phương tiện thông tin đại chúng. Hàng loạt mô hình “Điểm bán hàng Việt Nam cố định” thuộc Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được xây dựng thành công... Từ đó, tạo ra mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất, chế biến tới tiêu thụ hàng hóa. Nhờ vậy, hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam đã giữ vững vị trí tại thị trường trong nước.
Triển khai giải pháp thiết thực
Bên cạnh mặt hàng có thế mạnh, chiếm lĩnh phần lớn thị trường trong nước, nhóm hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam đang đứng trước một số khó khăn, thách thức. Theo đó, việc tham gia sâu rộng vào quá trình hội nhập sẽ khiến nhiều mặt hàng nhập khẩu có thuế suất giảm về gần 0%, tạo cơ hội cho hàng hóa từ các quốc gia trong khu vực cũng như thế giới thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Điều này mang đến thách thức cho DN sản xuất hàng tiêu dùng trong nước bởi DN nước ngoài vốn có thế mạnh về tài chính, công nghệ và kinh nghiệm phát triển thị trường. Bên cạnh đó, tâm lý của một nhóm người tiêu dùng vẫn còn chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm hàng hóa Việt Nam do tâm lý sính ngoại vẫn còn tồn tại... Để giúp hàng tiêu dùng nhanh tìm được chỗ đứng tại thị trường nội địa, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đặc biệt là Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Theo đó, 3 nhóm chương trình chính được tập trung thực hiện gồm: Hỗ trợ thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng; phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam ổn định và bền vững; nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt Nam và hàng Việt Nam.
Nhà nước cũng tích cực triển khai chính sách hỗ trợ cho DN trong việc mở rộng, phát triển hệ thống phân phối hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam, đồng thời tăng cường triển khai thực hiện cơ chế, chính sách nhằm củng cố, phát triển hệ thống hạ tầng thương mại, phục vụ tốt hơn yêu cầu phân phối lưu thông hàng hóa. Đặc biệt, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thương mại như: Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; phát hiện, xử lý nghiêm hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ... tạo điều kiện, động lực cho các DN sản xuất hàng tiêu dùng nhanh đầu tư, phát triển xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng. Song song với những hỗ trợ của nhà nước, DN, hiệp hội được khuyến cáo cần đầu tư, cải tiến và áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra khác biệt đối với hàng hóa Việt Nam; không ngừng cải tiến mẫu mã, hạ giá thành, nâng cao tính đa dạng của chủng loại sản phẩm; tiếp tục tập trung mở rộng thị trường, nghiên cứu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, xúc tiến thương mại... tạo ra thị trường rộng lớn hơn các mặt hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam. Đặc biệt, chú trọng tới thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa bởi đây là thị trường tiềm năng chưa được khai thác đầy đủ và đúng đắn. Người tiêu dùng chủ động tìm hiểu thông tin sản phẩm thông qua loại hình cung cấp thông tin để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Đặc biệt, cần ưu tiên sử dụng hàng hóa có chất lượng do các DN Việt Nam sản xuất, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc và góp phần phát triển đất nước.