Tây Ninh: Đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"

Ngày 15/9, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng đoàn công tác đã kiểm tra việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tại tỉnh Tây Ninh.

Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh Tây Ninh, ông Trần Thanh Mẫn cho biết: Tây Ninh là tỉnh giáp biên giới Campuchia, có nhiều hoạt động buôn lậu phức tạp, nên việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" càng cần thiết. 

Chủ tịch Trung ương MTTQVN Trần Thanh Mẫn khảo sát hàng Việt tại Siêu thị Coopmart Tây Ninh. 

 

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong thời gian qua, Đảng, Chính phủ rất quan tâm thực hiện cuộc vận động này; đồng thời giao Ủy ban Trung ương MTTQ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng tham gia chỉ đạo thực hiện cuộc vận động này đạt kết quả. 

Ông Trần Thanh Mẫn lưu ý: Thời gian tới, Tây Ninh cần tăng cường việc giám sát, kiểm tra thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ về thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thông qua các cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, của nhà sản xuất để có nhiều hàng hóa trong nước phục vụ người dân. Việc đầu tư mua sắm tài sản công bằng nguồn ngân sách Nhà nước cần ưu tiên sử dụng hàng Việt để vừa tiết kiệm ngân sách, vừa kích thích sản xuất trong nước. Tỉnh cũng cần chỉ đạo mạnh mẽ các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn thông qua các hội chợ, phiên chợ Việt ở nông thôn. 

Ông Huỳnh Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban  MTTQ Việt Nam tỉnh Tây Ninh, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh Tây Ninh cho biết, nhằm từng bước phát triển hệ thống dịch vụ, phân phối đưa hàng hóa Việt về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận, mua sắm, tỉnh đã kêu gọi đầu tư, phát triển các hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại... Đến nay, toàn tỉnh có 1 trung tâm thương mại, 5 siêu thị, 109 chợ chủ yếu bán hàng Việt. 

Nhiều doanh nghiệp đã tích cực đưa hàng Việt về nông thôn. Chẳng hạn, Công ty Hùng Duy đã tổ chức hằng ngày 60 chuyến xe bán hàng lưu động với tổng doanh thu 3,5 tỷ đồng/ngày; trong đó có 30 chuyến xe bán hàng lưu động đến các vùng sâu, vùng xa với tổng doanh thu 1,1 tỷ đồng/ngày. Riêng 2 siêu thị Coopmart Tây Ninh và Trảng Bàng từ đầu năm đến nay đã tổ chức gần 20 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng tới các xã vùng sâu, vùng xa, góp phần đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn.

Bình luận của bạn