Thái Nguyên sớm có chính sách đặc thù tiêu thụ sản phẩm truyền thống
Ngày 6/6, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, giai đoạn 2009-2019 do Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Thái Nguyên Bùi Xuân Hòa cho biết, trước những cơ hội và thách thức trong giai đoạn hiện nay, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được xem là một trong những giải pháp nâng cao nhận thức, thói quen tiêu dùng hàng Việt của người dân.
Để cuộc vận động mang lại hiệu quả cao nhất, tỉnh Thái Nguyên cần sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với việc tiêu thụ các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng của địa phương, nhất là sản phẩm chè.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ, coi trọng chất lượng sản phẩm, hướng tới nền sản xuất an toàn, hiệu quả. Qua đó, xây dựng lòng tin của người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm. Các cơ quan chuyên môn và địa phương trong tỉnh cần có giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hội chợ thương mại trên địa bàn; tăng cường trong quản lý thị trường, bảo vệ thương hiệu hàng hóa trong nước…
Chè và các sản phẩm từ chè là đặc sản thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên. Để quảng bá sản phẩm trà đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước, giai đoạn 2009-2019, tỉnh Thái Nguyên đã 3 lần tổ chức Festival Trà Thái Nguyên – Việt Nam. Bên cạnh đó, hằng năm các địa phương trong tỉnh tổ chức Lễ hội Trà, hội chợ giới thiệu sản phẩm địa phương… Qua đó, góp phần đưa trà Thái Nguyên đến tay người tiêu dùng trong nước và nhiều thị trường trên thế giới, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Trà Thái Nguyên, thúc đẩy ngành chè Thái Nguyên ngày càng phát triển.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng Việt trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục tập trung đổi mới công nghệ, cách quản lý. Từ đó, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; đồng thời, tăng cường đầu tư, có chính sách phát triển cơ sở hạ tầng thương mại khu vực nông thôn, góp phần mở rộng kênh phân phối hàng Việt cho bà con vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Trong 10 năm qua, tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, gắn thực hiện cuộc vận động với việc đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị, bằng nhiều hình thức phong phú, thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế ở cơ sở.
Qua đó, tổng kinh phí hỗ trợ cho chương trình khuyến công trên địa bàn trong 10 năm qua đạt trên 46 tỷ đồng, tổ chức gần 100 hội chợ, triển lãm cấp huyện, cấp tỉnh và khu vực; mở gần 40 chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, khu công nghiệp”… góp phần kết nối cung cầu giữa các địa phương, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh.
Nhân dịp này, 24 tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được Bộ Công Thương và UBND tỉnh Thái Nguyên tặng Bằng khen./