Tham gia vào chuỗi cung ứng giúp các doanh nghiệp trở nên mạnh hơn

Tham gia vào chuỗi cung ứng giúp các doanh nghiệp trở nên mạnh hơn

Đây là khẳng định của nhiều diễn giả tại hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt nam tham gia vào chuỗi cung ứng thời kỳ hôi nhập” tổ chức sáng 06/10.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh lại vai trò của chuỗi cung ứng và cho biết Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao xây dựng cơ chế, chính sách, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng bền vững. Cụ thể: Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020”; Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020;... Từ năm 2013 đến nay, Bộ Công Thương đã phê duyệt 1.025 đề án với tổng kinh phí 511,5 tỷ đồng.

Bà Lê Thị Mai Linh, Phó Chủ tịch điều hành - phụ trách quan hệ công chúng thuộc Tập đoàn Central Group khẳng định công ty này luôn muốn liên kết với các nhà cung ứng Việt Nam. Qua nghiên cứu hành vi tiêu dùng, Central Group nhận thấy kênh phân phối, bán lẻ hiện đại thường là nơi đến của các gia đình. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam không có nguồn ngân sách lớn cho việc quảng bá. Nếu hàng hóa của những doanh nghiệp này vào được chuỗi cung ứng của nhà bán lẻ sẽ giúp tiết kiệm chi phí quảng bá cho doanh nghiệp và người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn.

Ông Phạm Thanh Hùng, Giám đốc Công ty Ba Huân Hà Nội cho biết, công ty đã phải trợ giúp nông dân về kỹ thuật để xây dựng được chuỗi cung ứng. Theo đó, Ba Huân đã xây dựng quy trình sản xuất khép kín và áp dụng nhiều tiêu chuẩn cao trong sản xuất. Công ty cũng đồng thời hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp để tạo sự tin tưởng. Từ đó, chuỗi liên kết được hình thành.

Tuy nhiên, luôn có nhiều khó khăn trong xây dựng chuỗi liên kết. Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam chi sẻ rằng, việc liên kết vẫn còn rất lỏng lẻo, thậm chí tạo ra cạnh tranh không lành mạnh dù HTX đã thực hiện trong thời gian dài. Vì vậy, ông Tuấn muốn có sự vào cuộc của toàn xã hội để thay đổi nhận thức và cách liên kết.

Đại diện Sở Công thương Hà Nội cho rằng, Bộ Công thương phải có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước phát triển kênh phân phối. Bởi lẽ, hiện vẫn có tới 60% lượng hàng hóa được phân phối qua kênh bán lẻ truyền thống. Nhưng thực tế là các chợ trên địa bàn Hà Nội đã quá sập xệ và không đáp ứng được yêu cầu. Trong khi cơ chế hiện chưa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định rằng vẫn còn nhiều điều cần phải khắc phục để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hình thành các chuỗi liên kết. Tuy nhiên, doanh nghiệp và người dân cần có nhu cầu và niềm tin vào liên kết. “Chúng ta yếu thì chúng ta cần có sự liên kết. Liên kết để chúng ta mạnh hơn” – ông Đỗ Thắng Hải nói.

Bình luận của bạn