Tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo

Theo dự báo của Bộ Công thương, thị trường năm 2017 đặt ra nhiều thử thách đối với ngành lúa gạo Việt Nam, trong đó, việc điều chỉnh chính sách của các nước xuất khẩu gạo, tình trạng dư cung kéo dài, tồn kho lớn và tăng cường xuất khẩu của các nước đã tác động bất lợi tới nhu cầu, tâm lý thị trường, dẫn đến cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Theo Bộ Công thương, nhiều quốc gia nhập khẩu, trong đó có các thị trường trọng điểm đang tăng cường năng lực sản xuất trong nước, hướng đến tự chủ về lương thực, đa dạng hóa nguồn cung, thay đổi chính sách và phương thức nhập khẩu; xây dựng hàng rào kỹ thuật và tăng cường kiểm tra việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn, an toàn thực phẩm.

Trong xu thế diễn biến thị trường gạo thế giới ngày càng khó khăn, cạnh tranh gay gắt, việc gia tăng sản lượng gạo hàng hóa tạo áp lực tiêu thụ và ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xuất khẩu. Vì vậy, theo ý kiến của các chuyên gia, cần phát triển sản xuất lúa gạo dựa trên cơ sở nâng cao chất lượng, hiệu quả, đồng thời giảm sản lượng gạo xuất khẩu hàng năm.

Còn theo Bộ Công thương, để giảm chi phí, tăng hiệu quả xuất khẩu gạo, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống của người nông dân, cần cơ cấu lại sản xuất, định vị sản lượng lúa gạo hàng hóa hợp lý, gắn với nâng cao chất lượng, giá trị, xây dựng thương hiệu, gắn sản xuất với thị trường.

Để thực hiện được nhiệm vụ trên, cần tập trung hoàn thiện 3 “trụ cột”: Chuẩn bị nguồn hàng; phát triển thị trường và tổ chức xuất khẩu. Về chuẩn bị nguồn hàng, cần có nguồn gạo hàng hóa xuất khẩu với chất lượng tốt, phù hợp với quy định, tiêu chí, yêu cầu an toàn thực phẩm, thị hiếu tiêu dùng của từng thị trường.

Cần cụ thể hóa chủ trương tái cơ cấu ngành lúa gạo bằng việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất các chủng loại thóc, gạo hàng hóa theo hướng gắn với lợi thế cạnh tranh của các vùng và mùa vụ sản xuất; chú trọng thúc đẩy sản xuất các sản phẩm có giá trị, thương hiệu để tăng giá trị và hiệu quả xuất khẩu.

Tập trung triển khai tổ chức sản xuất trong nước theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ và xuất khẩu; gắn công tác quy hoạch và áp dụng quy trình sản xuất phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và quy định của thị trường. Nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu của các thành phần tham gia chuỗi giá trị, từ người sản xuất đến thương lái, nhà máy xay xát trung gian và các thương nhân xuất khẩu.

Trong phát triển thị trường, theo Bộ Công thương, cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm gạo để củng cố thị trường, mở đường cho xuất khẩu gạo; tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng, phân phối gạo và sản phẩm chế biến từ gạo.

Nỗ lực phát triển thị trường, tích cực đàm phán mở cửa thị trường kết hợp các biện pháp kỹ thuật tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện thâm nhập và mở rộng thị trường đồng thời củng cố các thị trường trọng điểm, truyền thống. Giảm bớt sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, tận dụng cơ hội từ các thị trường “ngách” nhằm hạn chế rủi ro trước những biến động của thị trường.

Trong khâu tổ chức xuất khẩu, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều hành xuất khẩu cũng như sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, các địa phương, hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu.

Chú trọng công tác thông tin thị trường, dự báo, cân đối cung - cầu và nguồn thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu; tăng cường đánh giá sát thực nguồn cung trong nước, rà soát nhu cầu tiêu dùng nội địa. Quản lý hoạt động xuất, nhập khẩu gạo qua biên giới; tăng cường cảnh báo, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho thương nhân trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng, củng cố đội ngũ thương nhân đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Bình luận của bạn