Thêm 7 loại củ quả của Việt Nam được mở cửa vào Trung Quốc

Thông tin Tổng cục Hải quan Trung Quốc (TQ) đã đồng ý xem xét mở cửa thêm với 7 loại trái cây và nông sản Việt Nam đang được nhiều bà con nông dân quan tâm. Câu hỏi đặt ra là chúng ta cần làm thế nào để trái cây và nông sản của Việt Nam có thể đàng hoàng đi chính ngạch sang thị trường tỷ dân này.

Thị trường chính của nông sản Việt

Tại tọa đàm Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam – TQ diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam thông báo Tổng cục Hải quan TQ đã đồng ý xem xét mở cửa nhập khẩu thêm một số loại trái cây Việt Nam sau 8 loại quả đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch (gồm thanh long, dưa hấu, xoài, nhãn, vải, mít, chuối, chôm chôm).

Cụ thể, thứ tự ưu tiên các loại củ quả sắp được phía TQ mở cửa nhập khẩu chính ngạch là sầu riêng, bưởi, chanh dây, khoai lang, dừa, mãng cầu, măng cụt. Trong đó, sầu riêng là loại quả được người tiêu dùng TQ ưa chuộng nên sẽ ưu tiên mở cửa trước.

Đặc biệt là phía TQ cũng chấp thuận cho 13 doanh nghiệp (DN) Việt Nam được phép xuất khẩu thủy sản sang nước này và bổ sung cá ngừ, cá rô phi vào danh mục nhập khẩu từ Việt Nam. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho DN giảm chi phí, tránh ùn tắc, TQ đã đồng ý mở thêm chức năng xuất khẩu thủy sản ở các cửa khẩu do 2 nước chỉ định.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, TQ đang là thị trường xuất khẩu chính của nhiều loại nông sản Việt Nam. Thông qua các thỏa thuận hợp tác giữa lãnh đạo Chính phủ hai bên, TQ và Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các loại nông sản có thế mạnh của Việt Nam mà TQ có nhu cầu cao như trái cây, thủy sản, gạo, bột mì, cao su…

Nhiều người mừng rỡ trước thông tin Trung Quốc sắp mở cửa với sầu riêng bởi trước đó có nhiều lo ngại về tình trạng “vỡ” quy hoạch khi diện tích trồng loại cây này tăng lên chóng mặt.

Nếu trước đây TQ được xem là thị trường xuất khẩu khá dễ tính thì hiện nay, nước này đang yêu cầu ngày càng yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác rõ ràng và ưu tiên nhập khẩu qua đường chính ngạch.

Đến tháng 6/2019 toàn bộ nông sản Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào TQ phải đảm bảo các điều kiện trên, do đó, các DN Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào TQ cần nhanh chóng chuyển hướng sản xuất, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, nắm rõ nhu cầu thị trường để định hướng sản xuất phù hợp.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh - Trưởng phòng Cây công nghiệp – Cây ăn quả (Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT) cho biết, tính đến hết năm 2017, tổng diện tích cây sầu riêng trên cả nước là 36.145ha, diện tích cho thu hoạch khoảng 27.390ha, năng suất bình quân 14,6 tấn/ha, sản lượng 402.000 tấn. Trong khi năm 2016, tổng diện tích cây sầu riêng là 33.400ha, năng suất bình quân 15 tấn/ha, sản lượng 399.000 tấn.

Mấy năm gần đây, đặc biệt là trong 2 năm qua, giá sầu riêng cao hơn nhiều so với trung bình các năm trước, dẫn tới việc tăng diện tích trồng sầu riêng trong dân đang khá lớn, trong khi đây là cây trồng lâu năm.

“Nếu so với nhu cầu hiện nay, cơ bản tổng diện tích sầu riêng chưa phải là quá lớn, tuy nhiên việc tiêu thụ loại quả này đang phụ thuộc rất nhiều vào thị trường TQ; thị trường nội địa thì tăng trưởng không nhiều (chỉ khoảng 30%). Trong khi đó, chúng ta chưa nắm bắt được nhu cầu từ thị trường TQ, không biết họ sẽ thu mua bao nhiêu, giá cả thế nào... Không riêng gì sầu riêng mà đối với bất kỳ một loại trái cây nào, nếu phát triển quá nóng, khi thị trường có vấn đề thì việc tiêu thụ sẽ ngay lập tức gặp khó” - ông Mạnh nói.

Đơn cử như tại Tiền Giang, năm vừa qua nông dân tỉnh này sản xuất được hơn 200.000 tấn sầu riêng nhưng có tới 70% được xuất tươi theo đường tiểu ngạch qua TQ. Đây chính là lý do dẫn đến việc giá cả loại trái cây này luôn trồi sụt thất thường, giá trị sản phẩm chưa cao, nông dân chưa chủ động được sản xuất, chưa an tâm với loại cây mình trồng.

Trung Quốc đang yêu cầu ngày càng yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, bao bì nhãn mác rõ ràng và ưu tiên nhập khẩu qua đường chính ngạch.

Chớp lấy cơ hội “vàng”

Cũng trong buổi tọa đàm, ông Lý Kiến Lương, đại diện Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.Hồ Chí Minh nhận định, do sự tương đồng về văn hóa, nhu cầu tiêu dùng mà hầu hết sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đều có thể xuất khẩu sang TQ. Tiềm năng hợp tác thương mại giữa Việt Nam - TQ đối với các sản phẩm nông sản vẫn còn rất lớn. Mặc dù là thị trường có nhu cầu tiêu dùng lớn nhưng xu hướng tiêu dùng của người dân TQ đang có sự thay đổi nhanh chóng.

Điển hình với mặt hàng gạo, năm 2017, TQ nhập từ Việt Nam tới 2,2 triệu tấn nhưng năm 2018 con số này mới dừng lại ở 1,3 triệu tấn. Nguyên nhân là do nhu cầu gạo của người dân TQ thay đổi theo hướng tăng sử dụng các sản phẩm gạo chất lượng cao.

Vì vậy, thay vì chỉ nhắm tới số lượng, các DN Việt Nam nên đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm có chất lượng và giá trị cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường một cách lâu dài.

Trong khi đó, ông Huỳnh Quân - Tổng Giám đốc Tập đoàn phân phối và tiêu thụ nông sản tỉnh Liêu Ninh (TQ) thông tin, TQ là thị trường có quy mô lớn với hơn 1,4 tỷ dân. Trung bình mỗi năm TQ nhập khẩu 6 triệu tấn gạo, 13 triệu tấn tinh bột mì cùng rất nhiều loại nông sản, trái cây khác.

Khí hậu Việt Nam và TQ khác nhau, trong khi phần lớn lãnh thổ Việt Nam có khí hậu nóng ẩm thì nhiều vùng của TQ có mùa đông lạnh giá vì vậy sản phẩm nông sản Việt Nam và TQ có thể sung cho nhau rất tốt.

Đặc biệt là người tiêu dùng TQ đánh giá nông sản, trái cây Việt Nam phong phú, thơm ngon và giá cả khá cạnh tranh. Đây chính là lợi thế và cơ hội để các DN Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này.

Về phía Việt Nam cần đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho các các sản phẩm nông sản vì hiện nay ưu tiên hàng đầu của DN nhập khẩu TQ không phải là giá cả mà là chất lượng sản phẩm và bao bì đầy đủ thông tin.

Bình luận của bạn