Thị trường gạo trong nước và xuất khẩu sôi động


Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục hải quan, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2016 đạt 963.025 tấn, tăng 95,35% so với cùng kỳ năm ngoái;  kim ngạch đạt 417,03 triệu USD, tăng 84,45%.

Trong xu hướng xuất khẩu ảm đạm của các sản phẩm nông nghiệp, thì xuất khẩu gạo đã có sự bứt phá mạnh cả về lượng lẫn giá trị. Sở dĩ xuất khẩu gạo tăng trưởng mạnh là do thị trường Philippines, Indonesia tăng cường nhập khẩu gạo. Indonesia là một trong những nước có lượng tiêu thụ gạo nhiều nhất thế giới nên yêu cầu về đảm bảo lương thực rất lớn. Mặc dù cũng là nước sản xuất gạo, nhưng Indonesia vẫn phải nhập khẩu gạo và Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà nước này muốn nhập khẩu. Trong 2 tháng đầu năm, xuất sang thị trường Indonesia tăng 213 lần về lượng và tăng 196 lần về giá trị so với cùng kỳ; xuất sang Phlippines tăng 7,6 lần về lượng và tăng 7,9 lần về giá trị.

Lượng xuất khẩu tăng, nên giá lúa gạo trong nước cũng tăng trở lại và thị trường tiêu thụ rất sôi động. Hiện nay, tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa khô tại kho loại thường dao động từ 5.100 đến 5.200 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.400 đến 5.500 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.550 đến 7.650 đồng/kg, gạo 15% tấm 7.400 đến 7.500 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.300 đến 7.400 đồng/kg.

Sự khởi sắc này bắt nguồn từ lượng gạo đã ký hợp đồng để chuyển giao trong quý I-2016 cao hơn mọi năm hơn 300 nghìn tấn. Trong khi đó, lượng gạo tồn kho trong năm 2015 cũng không nhiều như những năm trước nên càng thúc đẩy các doanh nghiệp mua hàng để bảo đảm hợp đồng đã ký, khiến thị trường lúa gạo sôi động ngay từ đầu năm.

Vì vậy, VFA đã đề xuất không tiến hành thu mua tạm trữ lúa gạo vụ đông - xuân như mọi năm và dự báo, không chỉ đầu năm mà trong cả năm 2016, xuất khẩu gạo nước ta sẽ có nhiều cơ hội tăng về số lượng và giá trị. Bởi hiện nay, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nhiều quốc gia phải đối phó tình trạng hạn hán nặng nề, đe dọa nghiêm trọng sản lượng lương thực, nên chắc chắn sẽ sớm ký hợp đồng nhập gạo để ổn định nguồn cung.

Như vậy, sau nhiều năm liên tục gặp khó khăn trong những tháng đầu năm, thì năm 2016, những tín hiệu khả quan về xuất khẩu gạo của nước ta đã sớm xuất hiện. Tuy nhiên, thị trường lúa gạo luôn có những biến động khó lường theo từng thời điểm, nên để hướng tới kim ngạch xuất khẩu cao cho cả năm, các doanh nghiệp vừa cần biết tận dụng cơ hội tốt, đồng thời theo dõi mọi diễn biến từ các đối tác nhập khẩu. Kể cả khi các thị trường truyền thống được dự báo sẽ tăng lượng nhập khẩu, vẫn cần xúc tiến thương mại và mở rộng thêm các thị trường mới để đề phòng rủi ro.

Mặt khác, mặc dù tăng cả về giá trị và sản lượng xuất khẩu hai tháng đầu năm, nhưng giá gạo xuất khẩu bình quân lại chỉ ở mức 443,5 USD/tấn, giảm 5,95% so với năm 2015. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu cùng chủng loại của các nước như Cam- pu-chia, Thái-lan đều cao hơn so với gạo nước ta, do chất lượng đồng đều hơn.

Trước thực tế trên, để có thể tăng giá bán, nâng cao kim ngạch, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành bộ quy chuẩn về chất lượng gạo xuất khẩu, để kiểm soát dễ dàng hơn những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn, tiến đến xây dựng đồng bộ thương hiệu gạo Việt Nam.

Bình luận của bạn