Thị trường hàng hóa Tết tại An Giang: Tăng nhiệt nhưng không tăng giá

Thời điểm này, thị trường hàng hóa tại An Giang bắt đầu sôi động nhưng do nguồn cung dồi dào nên giá cả không biến động nhiều so với cùng kỳ năm trước, không những thế các doanh nghiệp còn duy trì nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, giá hợp lý.   

Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, để đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, từ đầu tháng 11/2018 có 21 doanh nghiệp chủ lực của tỉnh đã dự trữ lượng hàng trị giá trên 1.936 tỷ đồng, tăng 2 doanh nghiệp so cùng kỳ, trong đó số lượng hàng hóa chuẩn bị mùa Tết 2019 cao hơn 1,6 lần, tăng 60% so với doanh thu dịp tết năm 2018.

Một số mặt hàng chính bình ổn gồm: gạo 3.548 tấn; 210 tấn thịt gia súc, gia cầm; 3.500 thùng nước giải khát các loại... được bán tại 163 đại lý; 1.287 cửa hàng, điểm bán, siêu thị... trong toàn tỉnh.

Đơn cử 3 siêu thị Co.opmart của Saigon Co.op đã phối hợp với các nhà sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu từ giữa năm 2018 với mức tăng từ 2 – 4 lần so với tháng thông thường nhằm chủ động nguồn cung và điều tiết giá hàng hóa tết. Đối với chất lượng hàng hóa, siêu thị cũng đã có kế hoạch tăng tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa từ 5 đến 10 lần so với tháng kinh doanh thông thường, nhất là nhóm thực phẩm.

Đặc biệt, nhằm phục vụ cho nhu cầu khách hàng trong Tết Kỷ Hợi 2019, các siêu thị này còn đưa vào kinh doanh nhiều loại đặc sản của các vùng miền trên cả nước như gà đồi Yên Thế, Cam Canh, bưởi Diễn, sâm dây Ngọc Linh… bên cạnh các món ăn truyền thống ngày Tết.

Theo Sở Công Thương thời điểm hiện tại thị trường hàng hóa tại An Giang bắt đầu sôi động, các mặt hàng hoa kiểng, hàng tiêu dùng thiết yếu đã được người dân mua sắm nhiều hơn. Năm nay nhiều đơn vị kinh doanh bán lẻ như Điện máy xanh, điện máy Chợ Lớn, Co.opmart, siêu thị Tứ Sơn… liên tục thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá nên giá cả các mặt hàng không có biến động nhiều.

Cũng nhờ thực hiện khuyến mại liên tục mà khách hàng đến mua sắm dịp cuối năm tại các hệ thống bán lẻ đã tăng mạnh, có đơn vị ghi nhận tăng gấp đôi, gấp ba so với tháng kinh doanh thường.

Ông Võ Nguyên Nam, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, để đảm bảo thị trường hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán được ổn định, Sở Công Thương sẽ làm tốt công tác dự báo tình hình, diễn biến thị trường hàng hóa, giá cả, nhất là các hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân để sẵn sàng đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra. Đồng thời tăng cường, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trong việc phát triển thị trường trong nước gắn với thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam góp phần cho bình ổn thị trường hàng hóa trong tỉnh và trong khu vực.

Thực tế cho thấy, cuối năm nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng vì thế việc kiểm soát chặt thị trường cũng như nỗ lực tham gia của doanh nghiệp trong chương trình bình ổn thị trường sẽ góp phần cân đối cung cầu, ổn định giá cả và đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp này.

“Chúng tôi sẽ kiểm soát chặt thị trường, làm tốt công tác dự báo để đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá cục bộ; đồng thời tránh tình trạng hàng gian, hàng giả, kém chất lượng tiêu thụ trên thị trường, ảnh hưởng đến an toàn của người tiêu dùng” - ông Võ Nguyên Nam khẳng định.

Bình luận của bạn