Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa
Mặc dù thị trường xuất khẩu những tháng cuối năm nay dự báo sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, vẫn có những yếu tố cho thấy tình hình xuất khẩu sẽ đạt tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nếu quyết liệt triển khai các biện pháp thúc đẩy sản xuất và tận dụng cơ hội xúc tiến thương mại hiệu quả. Tìm cách giúp doanh nghiệp (DN) đưa hàng Việt Nam đi xa là tâm điểm của ngành công thương và cộng đồng DN từ nay đến cuối năm.
Từ đầu năm đến nay, nhiều thị trường là bạn hàng lớn cả về xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đang có dấu hiệu giảm hoặc chậm tăng trưởng. Đáng lưu ý là nhập khẩu của khu vực đồng ơ-rô giảm 3%, Nhật Bản giảm 13,8%. Tình trạng tương tự cũng diễn ra đối với nhập khẩu của Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và một số nền kinh tế khác.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tình hình xuất khẩu sáu tháng đầu năm tăng 5,7% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm nông, lâm, thủy sản đạt 13,63 tỷ USD, tăng 4,1%; nhóm nhiên liệu, khoáng sản đạt 1,65 tỷ USD, giảm mạnh 39,4%; nhóm công nghiệp chế biến đạt 62,59 tỷ USD, tăng 8,7%...
Theo đại diện Bộ Công thương, nguyên nhân khiến cho hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn là do tình hình sản xuất trong nước từ đầu năm đến nay không mấy thuận lợi, nhiều mặt hàng sản lượng đạt thấp, trong khi thị trường tiêu thụ giảm, hợp đồng mới được ký kết không nhiều, thị trường mới chưa được mở rộng. Cùng với đó là do sự suy yếu kinh tế và bất ổn chính trị tại các thị trường chủ lực làm giảm nhu cầu tiêu dùng, kéo theo giá giảm; nhiều nước tăng cường áp dụng các biện pháp hàng rào kỹ thuật, yêu cầu chất lượng ngày càng khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu, nhất là nhóm hàng nông, lâm, thủy sản.
Lượng hàng xuất khẩu giảm đều trên tất cả các nhóm hàng khiến các DN hết sức lo lắng. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang cho biết: “Lần đầu tiên trong vòng 11 năm qua, ngành dệt may Việt Nam xuất khẩu sáu tháng qua tăng trưởng ở con số rất thấp. Xuất khẩu của cả ngành chỉ đạt 12,6 tỷ USD, tăng 4,72% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 41% kế hoạch xuất khẩu của cả năm”.
Theo VITAS, tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may trong sáu tháng đầu năm nay chủ yếu là do sự đóng góp của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi các DN trong nước đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới, nhất là các đơn hàng sơ mi, quần, áo giắc-két. Việc thiếu đơn hàng, trước mắt, các DN vẫn có thể khắc phục được, nhưng từ tháng 8 trở đi đơn hàng có vẻ “đuối”, nhất là với nhiều DN vừa và nhỏ.
Mặc dù nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm mạnh nhất, tới 39,4%, nhưng đại diện hiệp hội nhóm hàng này vẫn lạc quan: “Chúng ta không nên lo lắng bởi điều này phù hợp với chủ trương giảm xuất khẩu khoáng sản thô và việc dành lượng dầu thô khai thác để phục vụ sản xuất xăng dầu trong nước”. Đại diện các hiệp hội, ngành hàng như thủy sản, lương thực, chế biến gỗ… cho rằng khó khăn nhất cho hành trình đưa hàng Việt Nam đi xa là thiếu thị trường, thiếu thông tin về nhu cầu và nhiều rủi ro khi xuất khẩu hàng hóa.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong giai đoạn 2016 - 2020, nhiều thách thức cả về khách quan lẫn chủ quan đặt ra cho xuất khẩu của Việt Nam như các rào cản kỹ thuật và biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng được phổ biến trong bối cảnh thuế nhập khẩu được xóa bỏ trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Số vụ điều tra và áp dụng thuế chống bán giá và chống trợ cấp đối với hàng Việt Nam ngày càng nhiều sẽ ảnh hưởng xuất khẩu của Việt Nam và hạn chế khả năng tận dụng các FTA... Nhiều DN, nhất là các DN nhỏ và vừa bị hạn chế về khả năng tiếp cận vốn, khả năng đổi mới và cập nhật, ứng dụng công nghệ hiện đại, năng suất lao động, năng lực quản trị, điều hành, năng lực cạnh tranh, khả năng thích ứng trong môi trường động...
Phó Cục trưởng Xuất, nhập khẩu (Bộ Công thương) Dương Phương Thảo cho rằng, từ nay đến cuối năm, các mặt hàng như cà-phê, hạt tiêu, rau quả… có rất nhiều khả năng xuất khẩu nhanh, mở rộng thị trường. Nhóm hàng công nghiệp chế biến như giày dép, túi xách, va-li, ô dù… dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh do nhiều DN đang trong giai đoạn chuẩn bị cho mùa sản xuất mới với nhiều đơn hàng được ký kết. “Xét theo chu kỳ thì xuất khẩu sáu tháng cuối năm luôn cao hơn sáu tháng đầu năm khoảng 10%. Nhiều mặt hàng xuất khẩu bắt đầu được hưởng lợi từ các FTA tạo tiền đề cho sản xuất trong nước và xuất khẩu, giúp nhiều mặt hàng của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Để phát triển thị trường xuất khẩu hàng hóa cần nhiều giải pháp đồng bộ của các bộ, ngành như quy hoạch vùng nguyên liệu bảo đảm cung ứng lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, ổn định, rà soát cơ chế chính sách để khuyến khích đầu tư ứng dụng công nghệ chế biến cao, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ; tháo gỡ những vướng mắc trong lĩnh vực thuế, hải quan, tiền tệ, lãi suất… cho DN”, bà Phương Thảo nêu ý kiến.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm 2016 là năm hoàn tất ký kết các hiệp định thương mại tự do mới, đặc biệt là Hiệp định TPP và FTA Việt Nam - EU sẽ mở ra những cơ hội xuất khẩu mới cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Bộ Công thương sẽ sát cánh cùng DN giải quyết nhanh những khó khăn cho DN như thành lập đường dây nóng và giao Cục Xuất nhập khẩu xử lý các vướng mắc cho DN xuất khẩu thông qua đường dây nóng này. Thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính, ban hành nhiều văn bản về hướng dẫn các cơ hội, thách thức từ các FTA cho DN…
Những vấn đề ngoài thẩm quyền của Bộ Công thương sẽ được tập hợp và chuyển đến các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ để tháo gỡ ngay khó khăn cho DN xuất khẩu nhằm bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2016, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của cả nước. Bộ Công thương sẽ có các chính sách hướng dẫn, hỗ trợ DN được thuận lợi, đơn giản, minh bạch hơn nữa nhằm giúp các DN an tâm sản xuất, phát triển thị trường xuất khẩu trong thời gian sớm nhất…