Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

Theo đó, Kế hoạch chỉ rõ, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, phổ biến sâu rộng để người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết, nhận thức đúng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng Việt Nam, từ đó tạo chuyển biến về ý thức trong nhân dân, các đơn vị sản xuất kinh doanh, tổ chức kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, vận động toàn xã hội hướng đến tinh thần yêu nước và khích lệ tinh thần vươn lên, cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp Việt Nam, tập trung vào các doanh nghiệp ngành Công Thương, nâng cao vị thế của hàng Việt Nam, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam, hướng tới hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam và tự hào sử dụng hàng Việt Nam.

Một phần quan trọng của kế hoạch là nhằm mục tiêu góp phần tạo nền tảng và môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh để huy động mọi thành phần kinh tế tham gia đóng góp, tăng trưởng kinh tế thông qua hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý minh bạch; chú trọng vai trò quan trọng của các tập đoàn tổng công ty có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm trong sự nghiệp phát triển ngành Công Thương.

Đặc biệt, thực hiện các giải pháp để tập trung phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh lưu thông và triển khai đồng bộ, linh hoạt các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa; kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh kinh tế thế giới và kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sự bùng phát của dịch bệnh viêm CoviD-19 gây ra;

Tăng cường xúc tiến thương mại gắn với đẩy mạnh xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam; Nâng cao tính kết nối giữa sản xuất với thị trường theo chuỗi cung ứng; kết nối cung cầu gắn kết liên ngành: Du lịch - Thương mại, Công nghệ thông tin - Thị trường trong nước và một số ngành dịch vụ khác; Hỗ trợ đưa hàng Việt Nam từ nông thôn ra thành thành thị; Gắn kết với các điểm du lịch để phát triển kinh tế ban đêm,…; phát triển hệ thống phân phối thông qua Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;

Phục vụ tốt nhất cho người tiêu dùng bằng cách phát triển đa dạng, phù hợp các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, kết hợp hài hòa giữa hạ tầng thương mại truyền thống và hạ tầng thương mại hiện đại.

Chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế và tạo thuận lợi phát triển mạnh thương mại điện tử; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử, chuyển đổi số hóa doanh nghiệp, ứng dụng phương thức phân phối hiện đại để tăng cường tiêu thụ hàng hóa, kết nối giữa thị trường trong nước và quốc tế; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử và tăng cường quản lý thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi tăng giá bất hợp lý, đầu cơ găm hàng, thao túng thị trường và hàng giả; có các giải pháp đồng bộ, kịp thời để đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, không để ảnh hưởng đến thương mại quốc gia, bảo vệ phù hợp sản xuất và tiêu dùng trong nước.

 

Bình luận của bạn