Tìm các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ dưa hấu mùa vụ

Gần đây nhiều thương nhân Trung Quốc đã có xu hướng sang Lào, Campuchia thuê hàng trăm ha để trồng dưa hấu và xuất khẩu ngược lại để tiêu thụ trong nước, do đó sẽ tác động xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.

Tại Hội nghị bàn các biện pháp đẩy mạnh tiêu thụ dưa hấu do Bộ Công Thương tổ chức, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, hiện nay, tiêu thụ dưa hấu tại thị trường trong nước khoảng 80% tổng sản lượng thu hoạch của cả nước, còn lại khoảng 20% dành cho xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu dưa hấu của Việt Nam chủ yếu vẫn là các thị trường lân cận có chung đường biên giới như Trung Quốc, Lào, Campuchia, v.v...

Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 85-90% tổng sản lượng dành cho xuất khẩu và chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh , tỉnh Lạng Sơn. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, trong giai đoạn 2012-2014, lượng nhập khẩu dưa hấu của thị trường Trung Quốc dao động khoảng 200 nghìn tấn và tăng nhẹ theo từng năm (các năm 2012, 2013, 2014 lần lượt là 192 nghìn tấn, 199 nghìn tấn và 214 nghìn tấn). Tính đến hết tháng 11 năm 2015, lượng nhập khẩu dưa hấu của Trung Quốc khoảng trên 170 nghìn tấn, giảm 12,6% so với cùng kỳ và dự kiến nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc năm 2016 sẽ không còn biến động lớn.

Tìm giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ dưa hấu mùa vụ 2015 - 2016

Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, trong nhiều năm qua, khi vào thời điểm cận Tết Nguyên đán và chính vụ thu hoạch dưa hấu vụ Đông-Xuân, Xuân Hè, để tiêu thụ và xuất khẩu, dưa hấu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thường bị ùn tắc ở cửa khẩu Tân Thanh, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và cho nông dân, cũng như gây bức xúc trong dư luận xã hội.Việt Nam hiện là đối tác xuất khẩu dưa hấu lớn nhất của Trung Quốc với tỷ trọng chiếm khoảng 93-98% tổng lượng dưa hấu nhập khẩu hàng năm của thị trường này. Tuy nhiên, gần đây nhiều thương nhân Trung Quốc đã có xu hướng sang Lào, Campuchia thuê hàng trăm ha để trồng dưa hấu và xuất khẩu ngược lại để tiêu thụ trong nước, do đó sẽ tác động xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.

Bà Dương Phương Thảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho hay, mùa vụ dưa hấu năm 2015 - 2016 Trung Quốc tiếp tục chỉ nhận hàng tại khu vực cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài, trong khi điều kiện cơ sở hạ tầng như đường xá, bến bãi, kho chứa...  từ tuyến đường dẫn từ thành phố Lạng Sơn đến khu vực cửa khẩu Tân Thanh năng lực tiếp nhận và giải phóng hàng hóa chỉ đáp ứng được tối đa khoảng 300 xe/ngày.

Để đẩy mạnh tiêu thụ và điều tiết tránh ùn tắc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị, thiết lập cơ chế phối hợp thông tin chặt chẽ, hiệu quả giữa các Bộ, ngành và các địa phương trong việc cập nhật thông tin về sản lượng, tiến độ thu hoạch, số lượng dưa hấu dự kiến đưa lên biên giới, tổ chức khoanh vùng để xác định những vùng trồng dưa nên đưa lên biên giới, những vùng khác để tiêu thụ trong nước để có kế hoạch điều tiết lưu lượng hàng lên các tỉnh biên giới.

Bên cạnh đó, tổ chức đóng gói ngay ở nơi sản xuất hoặc tại một khu vực trung chuyển trong nước trước khi đưa lên biên giới để quá trình giao nhận hàng thực hiện nhanh chóng. “Kéo dài thời gian làm việc tại Phòng xuất nhập khẩu Khu vực Lạng Sơn và tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân xuất khẩu trong việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ Mẫu E; cùng với cải tiến quy trình nghiệp vụ, rút ngắn tối đa thời gian thông quan, hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng hàng, ưu tiên thông quan trước đối với dưa hấu so với các mặt hàng khác”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tổ chức kết nối cung cầu tiêu thụ dưa hấu trong nước trên tinh thần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” theo nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp cũng là một giải pháp cần thiết để đẩy mạnh tiêu thụ dưa hấu màu vụ 2015 - 2016.

Bình luận của bạn