Tìm đầu ra cho nông sản sạch: Song hành sản xuất và phân phối

Tỷ lệ nông sản sạch tại các siêu thị, kênh phân phối hiện đại còn thấp, trong khi hàng hóa trôi nổi tại các kênh truyền thống còn khá nhiều. Giải bài toán song hành giữa sản xuất và phân phối sẽ giúp nâng cao tỷ lệ nông sản sạch tại kênh phân phối hiện đại. 

Khó mở rộng chuỗi cung ứng nông sản sạch

Nông nghiệp công nghệ cao là một nền sản xuất nông nghiệp ứng dụng những công nghệ mới và tiên tiến để sản xuất hàng hóa nông sản thực phẩm nhằm tạo một bước đột phá về năng suất chất lượng và hiệu quả kinh tế phục vụ nhu cầu ngày càng cao của xã hội tiêu dùng, đảm bảo cho sự phát triển xanh và bền vững của ngành nông nghiệp mỗi quốc gia. Năm 2010, ở TP. Hồ Chí Minh đã có khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên. Đến nay khu công nghệ này đã thu hút nhiều dự án đầu tư để sản xuất bao gồm: sản xuất giống cây trồng, hoa lan, cây cảnh, sản xuất các sản phẩm sinh học, phục vụ cho nông nghiệp.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính tới nay, cả nước có 35 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Thủ tướng và Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành lập, có 5 vùng công nghệ cao để sản xuất thâm canh tôm, hoa cây cảnh, lúa, được 4 địa phương triển khai là Kiên Giang, Lâm Đồng, Phú Yên và An Giang; có 40 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bao gồm 12 trong lĩnh vực trồng trọt, 19 trong lĩnh vực thủy sản và 9 trong lĩnh vực chăn nuôi.

Việc đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi một số vốn khá lớn và thời gian thu hồi dài, cho nên các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này rất cần sự ổn định về chính sách và quy hoạch phát triển. Tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú - Chuyên gia bán lẻ, việc phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không phải chỉ là tổ chức sản xuất khoa học đạt trình độ tiên tiến mà phải luôn gắn kết sản xuất với các yếu tố của thị trường như sức mua của cư dân, phân khúc khách hàng, tập quán tiêu dùng, sở thích mua sắm, ở các loại hình bán lẻ… Đồng thời phải đảm bảo tính liên ngành, liên vùng trong phát triển, xây dựng các cơ chế phối hợp để phân bổ nguồn lực, tài nguyên của quốc gia và cũng như của các địa phương, một cách hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả.

Tuy nhiên, nhận thức về tác dụng của các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao dễ đi đến thống nhất xong thực tế trên hành động vẫn còn có những khó khăn, cản trở, cho sự phát triển sản xuất và phân phối đến tay người tiêu dùng những sản phẩm đó.

“Cả nước hiện nay có 9.000 chợ, 800 siêu thị, 130 trung tâm thương mại và khoảng 4000 siêu thị mini, cửa hàng tự chọn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Song trên thực tế hiện nay, tỷ lệ nông sản sạch, trong đó nông sản sản xuất ứng dụng công nghệ cao vào các hệ thống thương mại hiện đại chỉ chiếm từ 7-10%, như vậy còn tới gần 90% hàng hóa nông sản được bán tự do ở các chợ, cửa hàng lẻ và hàng rong. Trong đó, có đủ các loại gồm cả sản phẩm đạt chất lượng và chưa đạt chất lượng.

“Việc số lượng hàng nông sản sạch và nông sản ứng dụng công nghệ cao vào siêu thị mới chiếm một thị phần nhỏ là do một phần yếu kém của khâu sản xuất, chưa được khắc phục. Mặt khác, sự thiếu liên kết giữa nhà sản xuất và siêu cũng là rào cản lớn khiến nông sản sạch khó mở rộng chuỗi cung ứng” - ông Phú cho hay.

Đồng quan điểm, theo số liệu thống kê từ Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), có đến 85% nông sản Việt Nam tiêu thụ qua các kênh truyền thống là ngoài chợ, shop nhỏ lẻ hay là gánh hàng ven đường; chỉ có 15% còn lại là qua kênh hiện đại như siêu thị hay cửa hàng tiện lợi. Con số này chính là thách thức không nhỏ đối với nông sản sạch, nông sản hữu cơ.

Tổ chức lại sản xuất và hệ thống phân phối

Để phân phối tốt hơn nông sản sạch, theo ông Vũ Vinh Phú, giải pháp là phải tổ chức lại sản xuất và hệ thống phân phối nội địa.

Cụ thể, muốn khơi thông dòng chảy nông sản, bao gồm cả các sản phẩm nông sản ứng dụng công nghệ cao cần tổ chức lại sản xuất lớn theo quy hoạch của từng địa phương và từng vùng có lợi thế cho sự phát triển các loại thuế. Đi đôi với đó là việc mở rộng chính sách hạn điền, tạo điều kiện tốt, đưa cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất nhằm quản lý được chất lượng hàng hóa, nâng cao năng suất và hạ giá thành sản phẩm.

Ngoài ra, chú ý đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng sản xuất và phân phối nhằm giảm chi phí sản xuất và lưu thông hàng hóa nông sản. Sớm hình thành hệ thống các chợ đầu mối, các sàn giao dịch nông sản để đảm bảo mua bán được công khai minh bạch và quản lý an toàn thực phẩm và đảm bảo giá cả hợp lý đến tay người tiêu dùng và có biện pháp hỗ trợ dự trữ nông sản, bảo quản sau thu hoạch, giảm tổn thất tới mức thấp nhất.

“Nếu khơi thông được dòng chảy hàng hóa nông sản, sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích. Trước hết điều này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt. Bên cạnh đó, tăng doanh số bán lẻ cho khâu phân phối lưu thông” - ông Phú cho hay.

Về vai trò nhà nước, cần tạo lập một môi trường sản xuất kinh doanh minh bạch, bình đẳng trong cạnh tranh, hỗ trợ liên kết hợp tác, đầu tư sản xuất phân phối, xúc tiến thương mại, tổ chức thị trường, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách bền vững. Đặc biệt, kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng nông sản giả, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Bình luận của bạn