Tìm giải pháp đẩy mạnh thương hiệu Việt sang Hàn Quốc

Trước những trở ngại về tâm lý tiêu dùng, quy định tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa khắt khe, các chuyên gia khuyến cáo, muốn đẩy mạnh thương hiệu Việt sang thị trường Hàn Quốc, doanh nghiệp cần liên kết và trở thành một phần trong chuỗi cung ứng của các nhà phối lớn tại thị trường này.

Hiếm hoi thương hiệu được ghi nhận

Thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã tăng gần 87 lần trong hơn 2 thập kỷ qua, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên 43,4 tỷ USD năm 2016. Trong 9 tháng năm 2017, con số này tiếp tục tăng khi đạt 45,09 tỷ USD. Hiện Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và Trung Quốc.

Tại hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thương hiệu Việt sang thị trường Hàn Quốc” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức gần đây, ông Lê An Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết: Điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung rõ nét, cơ bản không cạnh tranh trực tiếp. Về phía Việt Nam, xuất khẩu hàng tiêu dùng tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây, đặc biệt hàng nông, thủy sản đang rất được ưa chuộng.

Tuy nhiên, số lượng nhãn hiệu hàng hóa thuần Việt trên thị trường Hàn Quốc chưa nhiều. Hiện chỉ có sản phẩm cà phê Trung Nguyên G7 xuất hiện trên kệ của các hệ thống phân phối lớn. Còn lại một số sản phẩm như: Phở Xưa và nay, tương ớt Trung Thành, nước mắm Nam Ngư… được bán ở những hệ thống phân phối không chính thức. “Thực tế, có những sản phẩm sản xuất tại Việt Nam nhưng mang thương hiệu nước ngoài đang được bày bán và ưa chuộng tại thị trường Hàn Quốc”, ông Lê An Hải chia sẻ.

Ông Phạm Duy Khương - Giám đốc Công ty S&B Law cũng cho hay: Việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang Hàn Quốc tuy đã có sự chuyển biến nhưng là rất nhỏ. Đã có những bài học nhãn tiền về việc doanh nghiệp Việt mất nhãn hiệu khi đưa hàng hóa ra nước ngoài.

Tiếp cận hệ thống phân phối

Thị trường Hàn Quốc được đánh giá là rất khó tính với nhiều quy định khắt khe về chất lượng sản phẩm nhưng nhiều doanh nghiệp Việt vẫn kỳ vọng vào thị trường này. Bà Vũ Thị Lương - đại diện Công ty Sản xuất, chế biến và kinh doanh hạt điều sạch CasNa nói: Sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu sang Mỹ, Hà Lan, Australia… với giá trị khoảng 30 triệu USD mỗi năm. Doanh nghiệp cũng đã xây dựng nhà máy chế biến sâu hạt điều, do đó rất tự tin và kỳ vọng khi tiếp cận với thị trường Hàn Quốc.

Tuy nhiên để sản phẩm Việt có thể tiếp cận thị trường này, ông Lê An Hải khuyến cáo: Người Hàn Quốc có tâm lý hàng Hàn Quốc là số 1 và niềm tự hào dân tộc về sản phẩm nông sản thực phẩm. Do vậy với hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng, mẫu mã, thiết kế, bao bì bởi việc thỏa mãn được thị hiếu là điều kiện bắt buộc để hàng hóa Việt được người tiêu dùng chấp nhận.

Mặt khác, một số hệ thống phân phối lớn đang chi phối thị trường Hàn Quốc, doanh nghiệp Việt cần hợp tác và tham gia vào chuỗi giá trị của nhà phân phối này. Ngoài ra, một số nhà phân phối lớn của Hàn Quốc có chính sách hỗ trợ phát triển logo của đối tác, có thể gắn thương hiệu của doanh nghiệp Việt với thương hiệu của nhà phân phối. Đây là phương thức tốt để khẳng định chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, đồng thời tăng sức cạnh tranh trước hàng hóa từ các quốc gia khác. “Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần đăng ký thương hiệu hàng hóa nhằm chắc chân tại thị trường này”, ông Lê An Hải nhấn mạnh.

Bình luận của bạn