Tìm hiểu thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2016 đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng nhẹ 1,12% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, riêng sản phẩm gỗ đạt gần 1,54 tỷ USD, chiếm 73,15% trong tổng kim ngạch, tăng 5,08%. 

Gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hoa Kỳ, với  825,53 triệu USD, chiếm 39,27% trong tổng kim ngạch, tăng 8,28% so với cùng kỳ; tiếp đến thị trường Nhật Bản 323,3 triệu USD, chiếm 15,38%, tăng 5,73%; sang Trung Quốc 267,67 triệu USD, chiếm 12,73%, giảm 7,49%; sang Hàn Quốc 173,53 triệu USD, chiếm 8,26%, tăng 14,16%.

Hoa Kỳ EU và Australia hiện là thị trường tiềm năng của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam, tuy nhiên vẫn có những rủi ro tiềm ẩn khi Hiệp định TPP có hiệu lực vì phải chứng minh xuất xứ gỗ nhập khẩu. Theo các chuyên gia cho biết, Việt Nam nhập khẩu gỗ căm xe nguyên liệu từ Campuchia và Lào được khai thác từ một số dự án không minh bạch về tính pháp lý gây nhiều tranh cãi.

Rủi ro về tính hợp pháp cũng tồn tại đối với một số sản phẩm gỗ thuộc nhóm mã HS 4415 (hòm, thùng, giá kê bằng gỗ), HS 4416 (thùng bằng gỗ), HS 4418 (đồ mộc dùng trong xây dựng, panel gỗ, ván sàn), 4418 (bộ đồ ăn, đồ bếp) và HS 4420 (đồ tượng, khảm, đồ gỗ trang trí). Nguy cơ về vi phạm Đạo luật Lacey (Hoa Kỳ) của các doanh nghiệp đang sử dụng các loại gỗ này trong các sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ là rất lớn.

Trong nhóm 4415 và một số sản phẩm thuộc nhóm 4418 có sản phẩm làm bằng gỗ cao su và gỗ dái ngựa. Gỗ cao su chủ yếu được khai thác từ các khu rừng cao su thanh lý trong nước. Hiện tình trạng pháp lý của nguồn gỗ này vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt đối với các diện tích trước kia là các diện tích rừng tự nhiên. Gỗ dái ngựa là gỗ tự nhiên, được nhập khẩu từ Philippines và Indonesia, với thông tin về tình trạng pháp lý chưa rõ ràng.

Tương tự, EU cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ 4 của Việt Nam. Nếu chỉ tính riêng các mặt hàng về gỗ thì EU là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam. Australia là thị trường nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ lớn thứ 6 của Việt Nam và là thị trường tiềm năng khi TPP được kí kết.

Trong bối cảnh hội nhập, thiếu thông tin về các yêu cầu của thị trường xuất khẩu là một trong những rủi ro lớn của doanh nghiệp chế biến gỗ tại Việt Nam. Theo kết quả khảo sát 39 doanh nghiệp thì 1/2 số doanh nghiệp hiện xuất khẩu gỗ sang Hoa Kỳ không nắm được các quy định liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm của mình tại thị trường này. Đa số các DN chế biến tại Việt Nam chủ yếu làm việc thông qua người mua hàng đại diện chứ không tiếp cận trực tiếp đến các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này khiến các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam thụ động khi tham gia thị trường.

Bình luận của bạn