Tìm hướng đẩy mạnh tiêu thụ cao su thiên nhiên

Mặc dù cao su Việt Nam có chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền nhà máy hiện đại, quản lý chặt chẽ đầu vào nguyên liệu để đảm bảo sản xuất ra lượng cao su đạt chất lượng tốt. Tuy nhiên, chất lượng cao su Việt Nam vẫn chưa ổn định, có nhiều doanh nghiệp, người trồng cao su tiểu điền vẫn chưa thực tâm chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, làm sao để tạo đầu ra ổn định, giá tốt đang là mối quan tâm hàng đầu của ngành cao su Việt Nam.

Theo ông Võ Thành Đô - Phó Cục trưởng Cục chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (NLTS&NM), hiện cao su là một trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong khi sản xuất hầu hết các ngành nông nghiệp của Việt Nam còn nhỏ, manh mún thì ngành sản xuất, chế biến cao su thực sự là sản xuất nông sản hàng hóa và ngày càng khẳng định vị trí của ngành trên thị trường cao su thế giới.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu cao su trong giai đoạn từ 2010 – 2014 của Việt Nam đạt khoảng 11,8 tỷ USD. Trong 11 tháng đầu năm 2015 dù đối mặt nhiều khó khăn song cả nước đã xuất được 983.000 tấn, đạt kim ngạch 1,35 tỷ USD. Hiện cả nước có 99 đơn vị hoạt động trong ngành sản xuất sản phẩm cao su với công suất chế biến mủ cao su đạt trên 1,2 triệu tấn mủ khô/năm. Sản phẩm chế biến đang tập trung ở bốn sản phẩm chính là mủ dạng khối, mủ tờ xông khói RSS, mủ latex và các loại khác. 70% sản phẩm mủ chế biến dùng để sản xuất lốp xe, còn lại là hàng gia dụng, giày dép, đồ chơi trẻ em...

Tuy nhiên theo đánh giá chung, hiện nay chất lượng cao su Việt Nam vẫn chưa ổn định, chủng loại cao su sản xuất về cơ bản lại không phù hợp với thị trường, có nhiều doanh nghiệp, người trồng cao su tiểu điền vẫn chưa thực tâm chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Điều này dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn phải nhập thô nguyên liệu cao su về để phục vụ chế biến, dẫn tới giá trị xuất khẩu chưa thực sự đạt cao.  

Để nâng cao chất lượng chế biến, tiêu thụ cao su thiên nhiên, ông Đặng Văn Vĩnh - Phó trưởng phòng Cục chế biến NLTS&NM cho biết, Bộ NN&PTNT đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để chuyển đổi cơ cấu sản phẩm , nâng cao chất lượng cao su thiên nhiên sơ chế để phù hợp với thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, các giải pháp liên quan đến thuế, đầu tư, tìm kiếm thị trường… cũng đang tích cực được triển khai.

Về phía Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), bà Trần Thị Thúy Hoa - Chánh Văn phòng VRA cho rằng, việc xây dựng thương hiệu ngành cao su Việt Nam là giải pháp để góp phần nâng cao uy tín, tăng cường năng lực cạnh tranh, tái cấu trúc ngành theo hướng đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Với ý nghĩa đó, cuối năm 2014, VRA đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết để đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho Nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam/Viet Nam Rubber” tại Cục Sở hữu trí tuệ với Logo và Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

Theo bà Hoa, sau khi nhận được văn bằng bảo hộ về quyền sở hữu nhãn hiệu, VRA đã nghiên cứu đăng ký quốc tế phù hợp với tình hình thực tiễn và tiềm năng xuất khẩu cao su của Việt Nam. Hiệp hội đã xây dựng lộ trình và hiện đang tiến hành đăng ký quốc tế để bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu tại các quốc gia thuộc các thị trường mục tiêu của Việt Nam.

Với những giải pháp được Bộ NN&PTNT triển khai cùng chiến lược xây dựng thương hiệu của VRA, nhiều doanh nghiệp cao su kỳ vọng ngành sẽ có bước phát triển hơn trong thời gian tới.

Bình luận của bạn