Tìm hướng để xuất khẩu thủy sản bứt phá
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2017, giá trị xuất khẩu thủy sản của nước ta sẽ đạt khoảng 7,4 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2016. Tuy nhiên, ngành hàng này đang đứng trước nhiều thách thức mới trên những vấn đề cũ, đó là: rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật và các quy định kiểm soát chất lượng của nước nhập khẩu.
“Cuộc chiến” chất lượng và thị trường
Năm 2016, thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang 161 thị trường, kim ngạch đạt hơn bảy tỷ USD, tăng 7,4% so với năm 2015. Năm thị trường nhập khẩu lớn gồm: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, trong đó Mỹ duy trì vị trí dẫn đầu với 21% giá trị xuất khẩu thủy sản của nước ta. Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 7,4 tỷ USD trong năm 2017, hai vấn đề lớn nhất mà ngành thủy sản phải giải quyết là chất lượng sản phẩm và thị trường.
Ngay từ đầu năm nay, nhiều khó khăn liên tiếp đã đến với hai sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra. Ô-xtrây-li-a cấm nhập tôm và sản phẩm tôm chưa nấu chín hoặc luộc chín từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, từ ngày 9-1-2017. Nguyên nhân là do liên quan đến dịch bệnh vi-rút đốm trắng ở tôm nuôi của nước này. Theo đó, tất cả các lô hàng tôm nhập khẩu mới sẽ bị đình chỉ, còn các sản phẩm tôm quá cảnh qua Ô-xtrây-li-a cũng chịu chế độ kiểm tra và thử nghiệm ngặt nghèo. Ngày 6-2 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên Ô-xtrây-li-a thông báo nới lỏng lệnh cấm nhưng chỉ áp dụng với một số sản phẩm tôm khô và bảo quản lâu dài.
Sau Ô-xtrây-li-a, Hàn Quốc cũng vừa ra thông báo sẽ kiểm dịch tất cả các lô hàng nhập khẩu, trong đó có mặt hàng tôm mà Việt Nam hiện là nhà cung cấp lớn nhất. Theo đó, từ ngày 1-4 tới, tất cả thủy sản nuôi và tự nhiên xuất khẩu sang Hàn Quốc đều phải có chứng thư do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, đây là một hàng rào kỹ thuật mới. Trước đây chỉ có sản phẩm bào ngư và hàu đông lạnh, ướp lạnh nằm trong diện kiểm dịch của Hàn Quốc. Đại diện VASEP cho biết, tôm chân trắng là mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc, chiếm 80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp đó, tôm sú chiếm 11% và tôm biển chiếm 9%. Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ năm của nước ta, sau Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc. Chính vì vậy, khi hàng rào kỹ thuật được dựng lên, chưa biết doanh nghiệp có “nhảy rào” được hay không nhưng một bất lợi thấy rõ là, sẽ mất thêm thời gian và chi phí cho việc hoàn thiện các yêu cầu của đối tác. Hiện, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Nafiqad) đã liên hệ với cơ quan chức năng của Hàn Quốc để tìm hiểu các quy định cụ thể nhằm hướng dẫn doanh nghiệp thực thi.
Đối với sản phẩm cá tra, sau nhiều năm “ngụp lặn” trên thương trường vẫn chưa tìm được “chỗ đứng” vững chắc lại tiếp tục gặp nạn do một chương trình truyền hình ở Tây Ban Nha đưa thông tin sai sự thật về quá trình nuôi và chế biến. Thông tin này khiến một nhà bán lẻ châu Âu quyết định ngừng bán cá tra Việt Nam và người tiêu dùng thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) hoang mang về chất lượng sản phẩm. Mặc dù Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC) đã lên tiếng bảo vệ các tiêu chuẩn môi trường nuôi cá tra ở Việt Nam nhưng dưới sự lan tỏa của truyền thông, điều đáng lo ngại nhất là sẽ ảnh hưởng mạnh tới các thị trường xuất khẩu cá tra khác như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Xin-ga-po… Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam Dương Nghĩa Quốc cho biết, Hiệp hội đã gửi văn bản lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương để phối hợp đưa những thông tin chính xác nhất về quy trình nuôi, chế biến cá tra Việt Nam đạt chứng nhận của các tổ chức quốc tế như GlobalGap, ASC, BAP… đến cộng đồng quốc tế, nhất là những người tiêu dùng cuối cùng.
Đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường
Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho rằng: Trong tiến trình tự do hóa thương mại, nhiều mặt hàng thủy sản của Việt Nam sẽ có lợi về thuế quan. Các thị trường áp dụng rào cản phi thuế quan để bảo hộ ngành sản xuất nội địa hoặc hạn chế nhập khẩu cũng là điều đương nhiên và chúng ta cũng đã dự liệu. Không chỉ tôm và cá tra mà các mặt hàng khác như cá ngừ, mực bạch tuộc cũng cần chuẩn bị để đối phó mọi tình huống có thể xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay các rào cản kỹ thuật không đơn thuần là kiểm tra hóa chất, kháng sinh mà ngày càng tinh vi và phức tạp, cụ thể là các chương trình thanh tra riêng biệt đang được tăng cường áp dụng. Với chương trình này, mỗi thị trường sẽ có những đòi hỏi riêng, khiến cho nhiều doanh nghiệp khó đáp ứng đủ điều kiện về chất lượng sản phẩm và tài chính.
Để vượt qua các rào cản thương mại và kỹ thuật của đối tác nhập khẩu, nhất thiết phải đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản. Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông Ngô Quang Trường nhận định: Xuất khẩu thủy sản sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn, thách thức do sự cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia xuất khẩu. Chính vì vậy, mỗi doanh nghiệp phải đầu tư nghiên cứu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng để đa dạng hóa sản phẩm trên cơ sở bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Như trong tình huống vừa rồi, Ô-xtrây-li-a cấm nhập tôm và sản phẩm tôm chưa nấu chín hoặc luộc chín thì Công ty Biển Đông gần như không bị ảnh hưởng bởi chúng tôi chỉ xuất khẩu vào nước này các sản phẩm tôm thành phẩm, chế biến sâu, như tôm tẩm bột, ướp tỏi… Tuy nhiên, hiện nay phần lớn tôm xuất khẩu của nước ta ở dạng đông lạnh, cho nên trước những lệnh cấm bất ngờ như vậy, khó tránh khỏi tổn thất. Đối với sản phẩm cá tra cũng thế, cần tính trước những bất trắc có thể xảy ra đối với cá tra phi-lê bằng cách đầu tư chế biến sâu tạo ra những sản phẩm mới ngon miệng, chất lượng cao.
Năm 2017 cũng là năm nhiều khó khăn về mở rộng thị trường khi mà các thị trường truyền thống được dự báo có mức tăng trưởng khá khiêm tốn, thậm chí không tăng; ngược lại, thị trường Trung Quốc được dự báo là “điểm nóng”, lần đầu sẽ mang về cho các doanh nghiệp thủy sản trong nước hơn một tỷ USD, tăng 30% so với năm 2016. Song VASEP lưu ý, Trung Quốc vốn là thị trường bấp bênh và tiềm ẩn nhiều rủi ro, các doanh nghiệp cần hết sức thận trọng. Do đó, công tác xúc tiến thương mại được đặt thành nhiệm vụ trọng tâm nhằm tìm kiếm thêm thị trường mới và ổn định. Nhiệm vụ này không dễ dàng đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính còn hạn chế. Với VASEP, đây cũng là bài toán khó, như chia sẻ của Phó Tổng Thư ký VASEP Tô Thị Tường Lan: Trong tình hình khó khăn chung của nhiều doanh nghiệp, sự hỗ trợ ngân sách nhà nước cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia lại ngày càng bị cắt giảm. Nếu như giai đoạn 2006 - 2010, trung bình mỗi năm VASEP nhận được khoảng 12 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cho hoạt động xúc tiến thì sang các năm 2011 - 2013, con số này giảm chỉ còn khoảng năm tỷ đồng; năm 2016 là hơn sáu tỷ đồng, chỉ đáp ứng 53% đề xuất. Chính vì vậy, VASEP không thể thực hiện xúc tiến thương mại ở tất cả các thị trường mà buộc phải chọn lọc. Như thời gian qua, Hiệp hội phải dừng công tác này tại các thị trường Nhật Bản, Nam Mỹ, châu Phi và Đông Âu. Đồng thời, dành kinh phí cho hoạt động xúc tiến tại EU và Mỹ để bám trụ tại các thị trường này.
Nhiều năm qua, xuất khẩu thủy sản là ngành kinh tế trụ cột của nền nông nghiệp và hiện được coi là mũi nhọn xuất khẩu của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, những rào cản kỹ thuật, thương mại ngày càng nhiều và tinh vi tại các thị trường nhập khẩu cho thấy chúng ta cần đầu tư mạnh hơn nữa cho ngành hàng này thông qua việc tháo gỡ khó khăn trước mắt, và xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, bền vững.