TP. Hải Phòng: Hàng Việt Nam chiếm 75% hệ thống phân phối

Đó là thông tin được ông Đào Văn Ninh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng công bố tại buổi làm việc của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam (CVĐ) với TP. Hải Phòng, chiều ngày 8/6.

Nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ hàng Việt Nam

Ông Đào Văn Ninh cho biết, cách đây 9 năm, tỷ lệ hàng Việt Nam chỉ chiếm dưới 50% hệ thống phân phối, hiện nay đã chiếm trên 75%. Nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam đang nhận được sự ưa chuộng rất lớn của người tiêu dùng như hàng tiêu dùng, rau củ quả, đồ gia dụng, bánh kẹo, thực phẩm tươi sống…

Đạt được kết quả đó không hề đơn giản. Ông Đỗ Tràng Thành - Phó Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc (MTTQ) TP. Hải Phòng cho biết, những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố - Thường trực Ban Chỉ đạo CVĐ đều xây dựng hướng dẫn, kế hoạch công tác năm trong hệ thống mặt trận các cấp. Trong đó chú trọng triển khai thực hiện các nội dung của CVĐ gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước, xác định CVĐ là một trong những nội dung quan trọng của công tác mặt trận.

Các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thành phố là thành viên Ban chỉ đạo, theo chức năng, nhiệm vụ chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tới cán bộ, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả CVĐ.

Về phía ngành Công Thương, Sở Công Thương Hải Phòng đã tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo các hoạt động hưởng ứng CVĐ rộng khắp trên địa bàn các huyện, quận gắn với thực hiện Quyết định 634/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (tập trung nội dung: Phát triển hệ thống kênh phân phối hàng Việt); đề xuất các giải pháp đẩy mạnh các hoạt động tiêu thụ nông sản tại các siêu thị, đưa hàng Việt về nông thôn; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền; cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước, đặc biệt tạo lập kênh phân phối ở nông thôn, các địa phương còn khó khăn. Hiện nay, Hải Phòng chỉ đứng sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh về số lượng chợ. Hệ thống này cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân toàn thành phố cũng như khách du lịch đến với Hải Phòng.

Đặc biệt, công tác đưa hàng Việt về địa bàn nông thôn trong thời gian qua là nội dung quan trọng, được Sở Công Thương Hải Phòng triển khai hiệu quả. Nhiều chuyến hàng đã được tổ chức thành công về các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy… và về các khu công nghiệp. Ban chỉ đạo CVĐ thành phố cũng tập trung chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng bất ổn, tạo tâm lý yên tâm mua sắm cho nhân dân trên địa bàn thành phố. 

Năm 2017 và 2018, hưởng ứng ngày “Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 15/3”, Sở Công Thương Hải Phòng đã tổ chức lễ phát động hưởng ứng Ngày quyền của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam và Chương trình ký cam kết doanh nghiệp sản xuất, cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn, chất lượng vì người tiêu dùng. Đồng thời, kêu gọi các DN, tổ chức, cá nhân vì lợi ích lâu dài của mình nêu cao trách nhiệm với NTD…

Cũng nhằm kích cầu tiêu dùng, các sở, ngành chức năng và các huyện, quận thường xuyên thực hiện các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thị trường, nắm bắt tình hình giá cả trên địa bàn thành phố nhằm góp phần đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, chăm lo an sinh xã hội. Hàng năm, Sở Công Thương đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố và trong dịp Tết Nguyên đán năm 2017 và 2018. Trong đó, chú trọng tăng cường mở rộng đầu tư - liên kết với các tỉnh, thành phố để phát triển sản xuất, kết nối các hợp tác xã với hệ thống thương mại, hệ thống phân phối hàng hóa đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân thành phố.

Ông Nguyễn Tràng Thành thông tin, với những giải pháp kể trên, nhận thức của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố đã ưu tiên mua sắm và sử dụng hàng Việt Nam

Chú trọng hỗ trợ DN

Nhận định về hiệu quả CVĐ trên địa bàn TP. Hải Phòng, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, điểm sáng của Hải Phòng chính là huy động được nguồn vốn xã hội hóa để triển khai chương trình. Trong 9 năm qua, thành phố đã tổ chức được 1.600 chuyến hàng về nông thôn, chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa của DN. Đây là kết quả không nhiều địa phương làm được.

Bà Lê Việt Nga cũng đánh giá cao công tác cung cấp thông tin thị trường của thành phố. Từ năm 2013 đến nay, có nhiều bản tin về thị trường đã được Ban chỉ đạo CVĐ thành phố xuất bản, giúp các DN có được thông tin về thị trường, tránh tình trạng sản xuất không theo nhu cầu.

Trong thời gian tới, bà Lê Việt Nga cho biết, tận dụng những lợi thế mà thành phố đang có, cần đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ, trong đó chú trọng xây dựng các điểm bán hàng Việt Nam cố định và bền vững. Hiện nay, Hải Phòng là một trong số ít thành phố chưa xây dựng được các điểm bán này.

Bên cạnh đó, Hải Phòng có số DN sản xuất lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài đông. Tuy nhiên, CVĐ mới chỉ hướng vào NTD mà chưa kết nối DN sản xuất tiêu thụ nguyên liệu hàng hóa của nhau. Do đó, thời gian tới, Hải Phòng nên là địa phương đi đầu trong việc kết nối các DN trên địa bàn với các DN các tỉnh thành khác để thúc đẩy phát triển công nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh kết nối DN FDI và DN trong nước, đặc biệt là DN nhỏ và vừa để tạo ra các hệ sinh thái hỗ trợ DN phát triển.

Ngoài ra, Hải Phòng đang có hơn 200.000 công nhân lao động. Đây là đối tượng tiêu thụ hàng hóa lớn. Bộ Công Thương đang triển khai chương trình phúc lợi, mang hàng Việt Nam chất lượng cao đến các khu công nghiệp bán cho công nhân với giá ưu đãi. Hải Phòng cần tham gia chương trình này để kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện cho công nhân tiêu thụ hàng Việt. Ngoài ra, đẩy mạnh dịch vụ logistics để hỗ trợ DN giảm chi phí đưa hàng hóa đến các địa phương, đặc biệt là nông sản; đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư để phát triển sản xuất trong nước…

Đồng chí Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ nhấn mạnh thêm, Hải Phòng là địa phương triển khai sớm các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương CVĐ. Thành phố đã thành lập các ban chỉ đạo ở hầu hết, quận huyện của thành phố. Đây là cơ sở quan trọng để triển khai CVĐ, mang lại hiệu quả tốt.

Đồng chí Hầu A Lềnh nhấn mạnh, trong thời gian tới, Hải Phòng cần tận dụng tốt nền tảng thuận lợi khi là một thành phố công nghiệp, có nhiều loại hình DN khác nhau để đẩy mạnh sản xuất, cung cấp lượng hàng hóa lớn cho thị trường. Bên cạnh đó, là thành phố công nghiệp gắn với du lịch, lượng khách du lịch là người Việt Nam đến với Hải Phòng đông, Hải Phòng cần xúc tiến tiêu thụ hàng hóa Việt cho đối tượng này.

"Tuyên truyền là quan trọng, nhưng hỗ trợ DN sản xuất hàng hóa tốt còn quan trọng hơn bởi có được sản phẩm tốt, người tiêu dùng mới ưu tiên chọn mua. Ngoài ra, Hải Phòng cần chú trọng kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ; rà soát hệ thống phân phối. Kết quả quan trọng nhất chính là tiếp tục nâng tỷ lệ sử dụng hàng Việt Nam trên địa bàn thành phố”, đồng chí Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Bình luận của bạn