TP Hồ Chí Minh nâng chất và phủ rộng hàng bình ổn thị trường

Nguồn hàng bình ổn phải chiếm 30 - 50% thị trường, nâng cao chất lượng hàng hoá, khuyến khích xã hội hóa để doanh nghiệp mở rộng kênh phân phối đưa hàng nhanh đến tận tay người dân, gắn chương trình bình ổn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đây là mục tiêu chính trong việc triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, mặt hàng sữa, hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2018 - 2019 và Tết Kỷ Hợi 2019 của TP Hồ Chí Minh.

Hàng bình ổn chiếm 30 – 50% thị trường

Theo đó, UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng; các mặt hàng sữa; các mặt hàng dược phẩm thiết yếu năm 2018 - Tết Kỷ Hợi 2019 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Đại diện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, năm nay TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục thực hiện song song 4 chương trình bình ổn như: các mặt hàng lương thực - thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng sữa, các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2018-2019 và các mặt hàng dược phẩm thiết yếu. Chương trình bình ổn thị trường năm 2018 - Tết Kỷ Hợi 2019 trên địa bàn triển khai để đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường và góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội; đồng thời gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Năm nay, chương trình tiếp tục được triển khai theo hướng xã hội hóa, khai thác tối đa tiềm năng của các nguồn lực xã hội, tạo điều kiện cho các nguồn lực gắn kết, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của TP Hồ Chí Minh và cả nước. Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn vẫn được áp dụng vay vốn ưu đãi nhằm thúc đẩy phát triển mạng lưới và đa dạng hóa loại hình điểm bán, đảm bảo hàng hóa bình ổn thị trường được phân phối đến người tiêu dùng một cách thuận lợi, nhanh chóng.

Đối với mặt hàng thực phẩm, lương thực thiết yếu, gồm 10 nhóm mặt hàng: lương thực (gạo, mì gói, bún khô…); đường RE, RS; dầu ăn; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; thực phẩm chế biến; rau củ quả; gia vị. Về lượng hàng, các tháng thường, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25 - 30% nhu cầu thị trường; các tháng Tết, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 30- 40% nhu cầu thị trường. 

Đối với mặt hàng phục vụ mùa khai giảng, gồm 4 nhóm hàng chính như: tập vở; cặp, ba lô, túi xách; đồng phục học sinh; giày. Lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 35 - 50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố. Dự tính năm học 2018 - 2019,  chương trình bình ổn cung cấp 9,68 triệu quyển tập học sinh; 570.000 bộ đồng phục học sinh ; 920.000 đôi giày dép... Đối với mặt hàng sữa, gồm 4 nhóm sản phẩm: sữa bột dành cho trẻ em, sữa bột dành cho bà mẹ mang thai, sữa bột chức năng (dành cho người cao tuổi, người bệnh, người gầy, giảm cân và bệnh tiểu đường), sữa nước dinh dưỡng bổ sung vi chất (gồm sữa nước, sữa chua uống và ca cao). Lượng sữa tham gia bình ổn thị trường là 1.940,5 tấn/năm (161,70 tấn/tháng) và 12,5 triệu lít sữa nước/năm (1,43 triệu lít/tháng), chiếm từ 30 - 35% mức tiêu dùng của thị trường TP Hồ Chí Minh.

Thời gian thực hiện chương trình bình ổn các mặt hàng trên là 12 tháng, bắt đầu từ ngày 1/4/2018 đến hết ngày 31/3/2019. Thời gian cao điểm cung ứng các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng là từ ngày 1/5 đến 31/10/2018.

Kiểm soát chặt về giá cả 

Hiện nay, các mặt hàng tham gia bình ổn luôn đảm bảo giá cả phải thấp hơn thị trường 5 - 15% nhưng chất lượng hơn hoặc phải ngang bằng so với sản phẩm trên thị trường. Để các doanh nghiệp tuân thủ về giá, đảm bảo chất lượng, theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn cần xây dựng và đăng ký giá bán bình ổn thị trường với Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá và đảm bảo đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu đảm bảo thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký giá ít nhất từ 5 - 10% và giữ ổn định giá bán trong thời gian 2 tháng trước, trong và sau Tết Kỷ Hợi 2019 (1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết).

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho biết sắp tới, các đơn vị của Sở sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đăng kí giá của doanh nghiệp và theo dõi đảm bảo khi ra thị trường giá của doanh nghiệp bán đúng cam kết, không có sự tăng giá xáo trộn thị trường. Đặc biệt, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các quận, huyện rà soát lại hoạt động của các chợ đầu mối, chợ bán lẻ để có giải pháp tăng cường năng lực hoạt động của các chợ. Đây cũng là một trong những mục tiêu chính của chương trình bình ổn khi muốn tăng độ bao phủ hàng bình ổn đến các kênh phân phối là các chợ trên địa bàn.

Theo đó, đối với các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng, các đơn vị tham gia bình ổn phải đảm bảo thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký giá ít nhất từ 10 - 15%; các mặt hàng sữa đảm bảo giá bán bình ổn thị trường có tính hợp lý, ổn định và có khả năng dẫn dắt thị trường. Ngoài các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành sách tham gia cam kết giảm giá 10 -15%, năm nay các hệ thống phân phối lớn như: Saigon Coop, Big C... cũng tham gia bình ổn mặt hàng này với mức giảm cao nhất đến 50% để thu hút người tiêu dùng.  

Đại diện siêu thị Saigon Co.op cho biết, năm nay đơn vị chuẩn bị khá kĩ cho chương trình bình ổn mùa khai giảng. Các mặt hàng mùa khai trường năm nay được bày bán phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, giá cả phù hợp mọi túi tiền của khách hàng. Khi mua các sản phẩm mùa khai trường như tập vở, quần áo, ba lô, cặp sách... khách hàng còn được hưởng các ưu đãi như: tặng quà, khuyến mãi, giảm giá sâu. 

Bình luận của bạn