TP. Hồ Chí Minh: Mở rộng chuỗi thực phẩm an toàn
Bên cạnh việc quyết liệt xử lý đối với hành vi kinh doanh thực phẩm bẩn, hoạt động đầu tư, mở rộng chuỗi thực phẩm an toàn cần phải đươc triển khai rộng rãi. Đây là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa đối với ngành Công Thương và cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn.
Công ty TNHH San Hà vừa khai trương điểm bán hàng Việt tại Chung cư Đoàn Văn Bơ, quận 4. Đây là điểm bán hàng Việt đầu tiên tại thành phố, gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; điểm khởi đầu trong kế hoạch xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn đang được ngành Công Thương khẩn trương triển khai. Được biết, điểm bán hàng này với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” phải đạt 3 tiêu chí: Kinh doanh 100% hàng Việt, địa điểm bán hàng bình ổn thị trường và điểm bán thực phẩm an toàn được nuôi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP…
Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm tại quận 4, Sở Công Thương sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả thực hiện, tiếp tục phối hợp với UBND 24 quận, huyện trên địa bàn rà soát, giới thiệu mặt bằng, địa điểm và vận động DN đẩy mạnh đầu tư, phát triển nhân rộng mô hình này.
Đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 721 tổ chức, cá nhân. Năm 2016, thành phố tập trung thu hút nguồn lực đầu tư vào ngành nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp bảo đảm nguồn gốc, chất lượng và được sản xuất theo chuỗi. Bên cạnh đó, ngoài chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa với các tỉnh thành Đông và Tây Nam bộ giai đoạn 2016-2020, ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ tiêu thụ mặt hàng nông sản, đặc sản đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, nuôi trồng theo quy trình VietGap, GlobalGap và xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn rộng khắp trên địa bàn.
Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Phạm Thành Kiên - cho biết, kế hoạch xây dựng và phát triển chuỗi thực phẩm an toàn, liên kết chặt chẽ từ nuôi trồng tới phân phối nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu; giảm chi phí trung gian để hàng hóa thêm sức cạnh tranh; người tiêu dùng chọn được sản phẩm chất lượng với giá thành hợp lý hơn. Cũng theo ông Phạm Thành Kiên, sản phẩm đạt chứng nhận an toàn tại các địa phương mới được phép lưu thông, kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh, ngược lại DN thành phố cung cấp hàng hóa cho các tỉnh, thành cũng theo tiêu chuẩn này. Sở Công Thương đang cùng với những đơn vị liên quan xây dựng bộ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, làm tiêu chí để DN và người tiêu dùng dễ nhận diện xuất xứ, chất lượng hàng hóa.
Bên cạnh đó, những DN được công nhận sản xuất thực phẩm an toàn như: Công ty CP. Việt Nam, Nông nghiệp Sài Gòn, Vissan, Ba Huân, An Hạ, Phạm Tôn… đang có kế hoạch lớn đưa thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng trong và ngoài thành phố.
Bà Phạm Thị Huân - Giám đốc Công ty Ba Huân - cho biết, sản xuất thực phẩm an toàn và phục vụ tận tay người tiêu dùng là xu hướng tất yếu của DN. Ngoài mạng lưới kinh doanh trứng gia cầm sỉ và lẻ, trong tương lai gần, Ba Huân sẽ đầu tư thêm hàng nghìn điểm bán sản phẩm trứng sạch.