TP. Hồ Chí Minh: ​Đẩy mạnh hàng vào các kênh phân phối truyền thống

Chiếm 60 – 70% tổng dung lượng thị trường của TP. Hồ Chí Minh, chợ đầu mối, chợ truyền thống và các cửa hàng tạp hóa là một trong những kênh phân phối tiềm năng đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, kênh phân phối này hiện còn nhiều vấn đề cần giải quyết.  

Chợ đầu mối là kênh phân phối truyền thống hiệu quả 
 

Tại Hội thảo Kết nối sản phẩm vào kênh phân phối truyền thống vừa diễn ra ngày 08/12/2017, bà Nguyễn Huỳnh Trang – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh- cho biết, phân phối truyền thống giúp kết nối trực tiếp giữa các đơn vị sản xuất với các thương nhân của hệ thống phân phối, qua đó giảm bớt các khâu trung gian, góp phần làm giảm giá thành của hàng hóa trên thị trường. Mối quan hệ giữa chợ truyền thống với các tỉnh thành sẽ giúp cho sản lượng hàng hóa được tiêu thụ ngày càng gia tăng.

Hội thảo thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu
 

Để kênh phân phối truyền thống phát huy hiệu quả hơn nữa, theo đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, cần tăng tính phối hợp giữa người sản xuất với người kinh doanh trong công tác sơ chế tại nguồn, thực hiện truy xuất nguồn gốc, kiểm tra chất lượng hàng hóa.

Ngoài ra, các sản phẩm phải xác định được chất lượng, hết sức chú trọng việc kinh doanh đảm bảo các sản phẩm an toàn. Chính vì thế sản phẩm phải có thương hiệu, có nguồn gốc xuất xứ, kiểm định để đưa vào hệ thống phân phối nhằm từng bước nâng cao uy tín, chất lượng, giúp người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng sản phẩm.“Đó là một trong những nhu cầu đặc biệt quan trọng đặt ra đối với các nhà sản xuất” – bà Trang khẳng định.

Trên cơ sở đó, làm sao đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm, cần xây dựng quy trình quản lý khi xe chuyển hàng vào chợ phải đăng ký loại hàng hóa, xuất xứ của sản phẩm khi đưa đến kinh doanh, có thông tin rõ ràng về chủ kinh doanh giúp cho người tiêu dùng yên tâm và tin tưởng khi sử dụng sản phẩm.

Đại diện cho chợ đầu mối, bà Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh Chợ Nông sản Thủ Đức– chia sẻ: Sản lượng hàng hóa được đưa vào chợ Nông sản Thủ Đức có mức tăng trưởng rất cao, lên đến 3.500 – 5.000 tấn trong khi vào thời điểm chợ mới hoạt động chỉ đạt khoảng 2 – 3 ngàn tấn. Đặc biệt, vào những thời điểm tết có thể lên đến 7.000 tấn. Các mặt hàng nông sản về chợ Thủ Đức chủ yếu ở các tỉnh Lâm Đồng, Hà Nội, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang… trong đó sản phẩm của tỉnh Lâm Đồng chiếm trên 50%. Con số đó phản ánh rất rõ lượng sản phẩm từ các vùng miền, các tỉnh đưa về chợ là rất lớn.

Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ gia tăng đang đặt ra bài toán rác thải cho các chợ đầu mối như Thủ Đức. Hiện tại, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức có 1.300 điểm kinh doanh với lượng rác thải lên tới 60 tấn/đêm, do hàng hóa đưa vào chợ chủ yếu chưa qua sơ chế trước khi đem vào chợ. Từ chi phí xử lý rác thải 35.000.000 đồng/tháng, đến thời điểm hiện tại đã tăng lên 350.000.000 đồng/tháng, tăng lên gấp 10 lần so với thời điểm chợ mới hoạt động và dự kiến sẽ còn tăng cao, bà Hà cho hay.

Từ thực tế đó, đại diện chợ này đề xuất, các nhà cung ứng cần sơ chế tận gốc, để làm giảm đi lượng rác thải vào thành phố, cùng với đó sẽ giúp giảm giá thành khi vận chuyển, giảm chi phí vệ sinh tại chợ. Việc này không những làm giảm thiểu lượng lớn rác thải của thành phố. Hơn nữa số rác thải trên nên đưa vào quy trình xử lý làm phân bón cung cấp cho chính các nhà sản xuất, từ đó góp phần giảm thiểu chi phí sản xuất.

Sau khi sơ chế cần bọc sản phẩm cẩn thận, đẹp mắt để tránh hư hại, làm mất đi giá trị của sản phẩm. Việc sơ chế tận gốc là rất cần thiết. Có bao bì, có nhãn mác đóng gói ngoài việc tránh bầm rập sẽ giúp cho các nhà sản xuất bán được sản phẩm với giá thành cao hơn. Bên cạnh đó, sản phẩm khi xuất ra khỏi tỉnh cần có kiểm định an toàn về nguồn gốc, xuất xứ trước khi đưa về các chợ tại TP. Hồ Chí Minh.

“Có đầy đủ yếu tố trên sẽ giúp sản phẩm đến tay người tiêu dùng an toàn, thu hút được khách hàng, năng cao giá trị của sản phẩm và từng bước đưa sản phẩm trong nước xuất khẩu ra thị trường nước ngoài” - bà Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Ngô Đức Sinh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông – Lâm sản Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) chia sẻ: “Các nhà cung ứng nên cùng nhau thiết kế cách xử lý thông minh trong sản xuất để sản phẩm đưa ra thị trường với chi phí rẻ nhất, giảm tối đa giá thành cho người tiêu dùng. Việc thiết kế ban đầu có thể mất nhiều thời gian, nhưng khi hoàn thành sản phẩm sẽ có sức cạnh tranh rất tốt.”

Còn theo ý kiến của đại diện Công ty TNHH Phương Hoa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), bên cạnh việc chủ động trong cạnh tranh kinh doanh lành mạnh, an toàn, các nhà sản xuất mong muốn các cấp quản lý gỡ bỏ bớt những thủ tục rườm rà trong kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước vươn cao, vươn xa hơn không chỉ trong nước mà còn ra thị trường nước ngoài.

Bình luận của bạn