TPHCM - Long An “bắt tay” sản xuất thực phẩm sạch
Ban Quản lý An toàn Thực phẩm, TPHCM, đã chủ động hợp tác với tỉnh Long An ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn, đưa thực phẩm sạch từ nông trại đến bàn ăn. Thực phẩm sẽ được kiểm soát từ khâu sản xuất phân phối, truy xuất nguồn gốc.
Địa bàn rộng, dân số đông, nhu cầu thực phẩm mỗi ngày lớn nhất cả nước, tuy nhiên công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn nhiều hạn chế nên TPHCM trở thành mảnh đất màu mỡ cho những mặt hàng kém chất lượng.
Để chấm dứt tình trạng “3 bộ cùng quản lý một mâm cơm” từ năm 2017 thành phố đã thí điểm thực hiện mô hình Ban Quản lý An toàn Thực phẩm với sự kết hợp của 3 sở gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Sở Y tế; Sở Công Thương.
Ban sẽ hoạt động thí điểm từ nay đến năm 2020 với mục tiêu đảm bảo chất lượng thực phẩm trên toàn thành.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, sau quá trình khảo sát, ngày 23/6, Ban đã đi thực tế tại Long An. Qua khảo sát 2 doanh nghiệp, đoàn đã ghi nhận những tiến hiệu tích cực khi người nông dân tại đây đã áp dụng những quy trình trong sản xuất rau sạch, gia cầm, thủy cầm, các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu theo quy trình khép kín, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn Thực phẩm, TPHCM cho hay: Long An là tỉnh giáp ranh với TPHCM, đây là địa phương có các mặt hàng thực phẩm nhập vào thành phố với số lượng rất lớn. Nếu kiểm soát được chất lượng các mặt hàng thực phẩm từ Long An, nguồn hàng hóa phục vụ cho nhu cầu ăn uống thường ngày của người dân tại TPHCM sẽ được cải thiện đáng kể.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên ngày 23/6, Ban quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An về việc “phối hợp sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh các chuỗi cung ứng nông sản”.
Theo đó, hai bên sẽ xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn, kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) đến cơ sở sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Hai bên sẽ xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất nông sản an toàn của tỉnh Long An tiêu thụ tại TPHCM; phối hợp kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm và nông – lâm – thủy sản.
PGS.TS Phong Lan cho hay, đây là giải pháp mang tính định hướng người tiêu dùng tiến tới sử dụng những sản phẩm đóng gói có nguồn gốc xuất xứ. Những đơn vị tham gia chuỗi phải đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, dù đã có giấy chứng nhận ban đầu nhưng sẽ “được” quản lý thường xuyên kết hợp hậu kiểm. Chương trình hướng đến mục tiêu kêu gọi người Việt dùng thực phẩm Việt để hạn chế nguy cơ thực phẩm kém chất lượng từ các quốc gia khác.
Ông Phạm Văn Cẩn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An cam kết: “Tỉnh sẽ thúc đẩy sản xuất, giám sát đảm bảo an toàn cho thực phẩm sạch có nguồn gốc từ Long An, tạo niềm tin cho người tiêu dùng về thực phẩm an toàn, chất lượng”. Bên cạnh đó, ông Cẩn mong TPHCM sẽ tạo điều kiện để các mặt hàng nông sản của người dân Long An có thể tiếp cận được hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ với phương châm hợp tác bền vững.