TPHCM triển khai mô hình Điểm bán hàng Việt
Vừa qua, Sở Công thương TPHCM đã khai trương thí điểm Điểm bán hàng Việt, tại chung cư Đoàn Văn Bơ, phường 12, quận 4.
Đây là điểm bán đầu tiên tại TPHCM do Công ty TNHH San Hà đầu tư, với sự hỗ trợ của UBND quận 4 nhằm thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương về xây dựng kế hoạch phát triển chuỗi điểm bán hàng Việt giai đoạn 2014-2020, nhằm nâng cao năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh cho DN và hàng hóa Việt Nam, triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Theo Sở Công thương TPHCM, việc khai trương điểm bán hàng Việt, ngoài việc thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, TPHCM cũng xác định, đây sẽ là chuỗi cửa hàng triển khai song song với yêu cầu phát triển chuỗi hệ thống phân phối hàng hóa bình ổn thị trường gồm các loại hình chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi và cửa hàng đại lý, cửa hàng liên kết giữa doanh nghiệp bình ổn thị trường và các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCS HCM…
Từ điều kiện thực tế của TPHCM, Sở Công thương đã đề xuất xây dựng mô hình thí điểm Điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” trên địa bàn TP nhằm đáp ứng 3 yêu cầu: Kinh doanh 100% hàng Việt Nam; là địa điểm bán hàng bình ổn thị trường; là địa điểm bán các mặt hàng thực phẩm an toàn được sản xuất, nuôi trồng theo các quy trình quản lý chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn: VietGAP, GlobalGAP, HACCP… Do vậy, việc hình thành thí điểm Điểm bán hàng Việt tại quận 4, sẽ góp phần bổ sung vào chuỗi địa điểm hơn 9.200 điểm bán hàng bình ổn thị trường và 308 địa điểm bán hàng đạt chuẩn an toàn thực phẩm của TP, tạo thêm nhiều cơ hội và nhiều lựa chọn mua sắm hàng hóa để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ổn định cung cầu hàng hóa và giá cả thị trường trên địa bàn quận 4.
Nhằm mục tiêu phát triển, nhân rộng trong thời gian tới, mô hình điểm bán hàng Việt được xem xét đầu tư trên cơ sở các tiêu chí như đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng thực phẩm hàng ngày, thực phẩm sạch, an toàn của người dân; kinh phí đầu tư, diện tích mặt bằng phù hợp, có thể áp dụng phát triển nhanh mạng lưới trong các khu dân cư, khu lưu trú công nhân, sinh viên, học sinh; kinh doanh hiệu quả, đảm bảo lợi nhuận hợp lý của nhà đầu tư. Mặt khác, việc xây dựng, phát triển các siêu thị, cửa hàng, Điểm bán hàng Việt ngoài việc thực hiện các mục tiêu nêu trên còn được Sở Công thương hướng tới mục tiêu hình thành công cụ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng Việt Nam vừa và nhỏ phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, tiếp thị và mở rộng, phát triển thị phần.
Trong thời gian tới, trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm tại quận 4, Sở Công thương TPHCM sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả thực hiện, tiếp tục phối hợp với UBND 24 quận - huyện rà soát, giới thiệu mặt bằng, địa điểm đầu tư và vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, phát triển nhân rộng mô hình này trên toàn địa bàn TP, góp phần thực hiện thành công Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phát triển mạng lưới điểm bán hàng bình ổn thị trường và hàng thực phẩm an toàn được sản xuất, nuôi trồng theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP, HACCP… đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân, nhất là người lao động trong các khu dân cư, công nhân, học sinh, sinh viên tại các quận ven, huyện ngoại thành, các KCX-KCN, doanh nghiệp đông công nhân.