TPHCM: Chính quyền sẽ đẩy mạnh bán lẻ hàng Việt
TPHCM đang hoàn chỉnh đề án quy hoạch ngành thương mại bán lẻ thành phố đến năm 2025, với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp nội đẩy mạnh phát triển hàng Việt Nam, nâng cao năng lực các thương hiệu bán lẻ trong nước, theo ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TPHCM.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh tại cuộc họp sơ kết cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chiều nay, 28-7 rằng việc quy hoạch lại này để tránh tình trạng doanh nghiệp, thương hiệu Việt Nam chết trên sân nhà.
Theo ông Tuyến, nội dung chi tiết, cụ thể của đề án sẽ được UBND TPHCM báo cáo cụ thể, chi tiết với Thường vụ Thành ủy vào đầu tháng 8 tới. Trong đó, một trong những nội dung cốt lõi chính là làm sao phát triển chuỗi thương mại trong nước, bao gồm cả truyền thống và hiện đại, để hàng Việt Nam có chỗ "đóng quân" rồi phát triển mạnh mẽ.
Đồng thời, ông Tuyến cũng cho biết, thời gian vừa qua, UBND TPHCM đã làm việc với hai đơn vị bán lẻ lớn của TPHCM là Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) và Tổng công ty Thương mại Sài gòn – TNHH MTV (Satra), theo đó từ nay tới năm 2020 sẽ nâng hai đơn vị này lên thành tập đoàn, mỗi tập đoàn cần xây dựng được từ 2 tới 3 trung tâm thương mại lớn chứ không chỉ là các siêu thị, cửa hàng tiện lợi vừa và nhỏ.
“Đất mình có thể giao cho các tập đoàn bán lẻ quốc tế được thì tại sao không giao cho tập đoàn bán lẻ của thành phố, về kinh phí thì cũng không thiếu, có điều hiện nay chúng ta chưa mạnh dạn làm. Nếu các tập đoàn bán lẻ của Việt Nam lớn mạnh thì ta sẽ có nơi để đưa hàng Việt Nam vào, người tiêu dùng có thể yên tâm tới chọn lựa, như thế mới có thể phát triển hàng Việt một cách bền vững. Và đây cũng là chiến lược của thành phố. Tất nhiên, với điều kiện hàng trong nước phải đạt chất lượng, giá cả phù hợp”, ông Tuyến nói thêm.
Để hàng Việt Nam ngày càng tới tay người tiêu dùng nhiều hơn, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, ngoài việc đầu tư dây chuyền sản xuất để tạo ra sản phẩm tốt thì doanh nghiệp cũng cần quan tâm, đầu tư lĩnh vực phân phối, cần đẩy mạnh phân phối sản phẩm tới các tỉnh, thành, đặc biệt là tới vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
“Trong một chuyến đi gần đây lên Hà Giang, tại một trạm dừng chân tôi quan sát và thấy trong rất nhiều sản phẩm nước uống được bày bán chủ yếu là những thương hiệu nước ngoài, chỉ có duy nhất một sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Hòa kể.
Ông Hòa cho biết, câu chuyện của ông cho thấy doanh nghiệp trong nước đã bỏ trống thị trường phân phối, không phủ sản phẩm ở các thị trường, đặc biệt là thị trường nông thôn. Điều này, theo ông Hòa, không chỉ là lỗi của doanh nghiệp khi mà đa số doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ, không đủ sức mở rộng hệ thống phân phối như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… Vì vậy, theo ông Hòa sắp tới Nhà nước cần có chính sách, chương trình phát triển để thúc đẩy, phát triển hệ thống phân phối hàng Việt, để từ đó hàng Việt đến gần hơn tới người tiêu dùng.
Ngoài ra, ông Hòa cũng đề nghị TPHCM thay vì đầu tư cho các chương trình bán hàng lưu động, các phiên chợ hàng Việt… thì nên đầu tư, có chính sách hình thành các điểm bán cố định và tăng độ phủ của hàng trong nước tới các điểm bán xa, tới mọi thành phần trong xã hội.
Cũng tại buổi họp, các đại diện đến từ Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông… đều cho rằng điểm cốt lõi để người tiêu dùng lựa chọn hàng trong nước vẫn nằm ở việc phải đảm bảo chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá cả hợp lý.
Báo cáo số liệu tại cuộc họp cho thấy, tính tới thời điểm hiện tại, TPHCM có 39 trung tâm thương mai, 181 siêu thị, 240 chợ truyền thống, gần 836 cửa hàng tiện lợi. Thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt tại một số hệ thống phân phối chiếm tỷ lệ từ 90% trở lên. Toàn thành phố cũng đã phát triển 1.140 điểm bán hàng bình ổn thị trường.