TPP có hiệu lực - Cơ hội cho hồ tiêu Việt Nam

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), hồ tiêu có nhiều lợi thế khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đặc biệt, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã xếp hồ tiêu là 1 trong 11 mặt hàng xuất khẩu (XK) chiến lược khi Việt Nam gia nhập TPP.

11 nước xóa bỏ thuế quan

Đại diện VPA cho biết, theo cam kết của các nước tham gia TPP, hồ tiêu Việt Nam sẽ được 11 nước xóa bỏ thuế quan. Ước tính, khi TPP có hiệu lực, kim ngạch XK hồ tiêu vào các nước tham gia hiệp định đạt khoảng 294 triệu USD/năm. Khi tham gia TPP, hồ tiêu Việt Nam có lợi thế nhất định, bởi 14 năm qua Việt Nam là nước sản xuất, XK hồ tiêu số 1 thế giới, chiếm hơn 30% sản lượng và trên 50% khối lượng.

Hồ tiêu Việt Nam năng suất cao, giá thành cạnh tranh cùng với sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ đã giúp mặt hàng này có nhiều lợi thế so với các nước khác. Hiện nay, hồ tiêu Việt Nam đã XK tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, vừa qua, hồ tiêu Việt Nam “đặt chân” vào các nước có hàng rào kỹ thuật ngặt nghèo như: Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ, Đức, Pháp…

Ông Trần Đức Tụng - Chánh văn phòng VPA – cho biết: Từ năm 2005, các tập đoàn sản xuất gia vị hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Ấn Độ, Hà Lan… đã đầu tư, xây dựng nhà máy chế biến hồ tiêu ở Việt Nam. Nhờ vậy, hồ tiêu Việt Nam đã tạo được thế mạnh nhất định trên thị trường thế giới trong bối cảnh hội nhập. Dù vậy, hồ tiêu Việt Nam còn nhiều hạn chế như: Chất lượng so với các nước chưa cao, chế biến đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng còn thấp.

Cơ hội đa dạng hóa sản phẩm

Doanh nghiệp (DN) trong ngành hồ tiêu cho rằng, hồ tiêu Việt Nam thường bị ép giá, mức giá XK thấp so với các nước khác do chất lượng hồ tiêu chưa đồng đều. Trước nhu cầu sản phẩm hồ tiêu trắng, tiêu xay trên thế giới ngày càng cao - đây là cơ hội để DN đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường chế biến sâu, gia tăng giá trị sản phẩm.

Để có được hồ tiêu sạch đáp ứng nhu cầu XK của DN, Bộ NN&PTNT đã hướng dẫn nông dân trồng tiêu theo tiêu chuẩn VietGap, tuyên truyền sâu rộng đến các hộ trồng tiêu vùng sâu, vùng xa, bà con dân tộc ở Tây Nguyên; áp dụng biện pháp bảo quản sau thu hoạch từ các nhà thu gom, đại lý đến DN XK; xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển cây tiêu ở Tây Nguyên, giúp phổ biến kiến thức khoa học đến các hộ trồng tiêu. Quá trình chế biến XK cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo ra sản phẩm sạch.

Để tăng tính cạnh trạnh cho hồ tiêu Việt Nam, ông Võ Thành Đô - Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho rằng, từ nay đến năm 2020, cả nước vẫn chưa cần xây dựng thêm các cơ sở chế biến mới hồ tiêu, mà chỉ cần chú trọng đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị, mở rộng quy mô các nhà máy chế biến hiện có để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bình luận của bạn