Trái cây Việt Nam từng bước thâm nhập thị trường thế giới

Các doanh nghiệp Việt đã biết cách làm ra trái cây có chất lượng cao, an toàn, đủ năng lực cạnh tranh với các đối thủ.

Nỗ lực chinh phục thị trường khó tính

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau nhiều năm đàm phán, Việt Nam đã dỡ bỏ được hàng rào kỹ thuật để trái cây vào được các thị trường khó tính như Úc, Mỹ, New Zealand, Nhật, Hàn Quốc... Tính đến nay, trái cây Việt Nam đã thâm nhập thị trường của 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến tháng 4/2018, trái cây xuất khẩu đã đạt hơn 1,3 tỷ USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), năm 2017, trái cây xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm 2016 (1,7 tỷ USD). Dự báo năm 2018 sẽ đạt giá trị kim ngạch từ 4,3 - 4,5 tỷ USD. 

Sự tăng trưởng xuất khẩu trái cây cho thấy chất lượng sản phẩm rất cao, đồng nghĩa với việc sản xuất nông nghiệp đã đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc. Song song đó là tính hiệu quả về xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho trái cây Việt Nam cũng như sự kết nối, liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu và với chuỗi tiêu thụ của các nước.

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mất 7 năm nộp hồ sơ và đáp ứng các điều kiện đặt ra của nước sở tại, chôm chôm Việt Nam mới được cấp phép nhập khẩu vào thị trường New Zealand. Đối với thị trường Mỹ, mất đến 10 năm đàm phán, quốc gia này mới mở cửa cho Việt Nam xuất khẩu trái vú sữa.

"Để vào được các thị trường khó tính, Việt Nam phải giải quyết các vấn đề gồm kiểm dịch, an toàn (không được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) trái cây. Đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp được gần 6.000 mã số vùng trồng đối với thanh long, xoài, nhãn, chôm chôm, vải, và đang phối hợp với các địa phương cấp thêm mã số cho những vùng nguyên liệu trái cây phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng 7 nhà máy chế biến với quy mô vùng và khu vực", ông Hoàng Trung cho biết.

Chất lượng quyết định thành bại

Đưa trái cây vào thị trường khó tính đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu phải đầu tư rất nhiều nguồn lực, từ việc vượt qua các rào cản kỹ thuật của nước nhập khẩu cho đến cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước khác.

Theo ông Hoàng Trung, muốn xuất khẩu trái cây sang Mỹ phải đáp ứng được 3 tiêu chuẩn chính, gồm vùng trồng đạt tiêu chuẩn và được phía Mỹ ủy quyền cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số vùng trồng, nhà máy đóng gói phải được chuyên gia phía Mỹ cấp mã số, sản phẩm phải được chiếu xạ tại nhà máy được cấp mã số đạt chuẩn.

Ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty Huy Long An - một doanh nghiệp thành công trong việc trồng chuối xuất khẩu sang thị trường Nhật chia sẻ, để vào được thị trường Nhật Bản phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe, từ thổ nhưỡng đến quy trình chọn giống, chăm bón đến thu hoạch, kích cỡ, bao bì, vệ sinh, cách xếp chuối trong container.

Sự phức tạp trong việc trồng chuối xuất khẩu là phải chăm sóc cho từng trái trên nải nhằm đảm bảo được sự đồng đều về kích cỡ và chất lượng. Chẳng hạn, chuối có nhiều nải, nhưng chỉ cho trổ khoảng 10 nải để có trái to và đẹp, và trên một nải cũng không được để quá nhiều trái.

Cũng theo ông Huy, trước khi ký hợp đồng mua chuối, phía Nhật cử người đến lấy mẫu chuối, mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí về Nhật Bản để kiểm tra đến 230 chỉ tiêu sinh lý - hóa sinh nhằm đảm bảo trái chuối đạt tiêu chuẩn "sạch - đẹp -  ngon", tức không có kim loại nặng, không có vi khuẩn gây hại, không dư lượng thuốc trừ sâu bệnh, không chất kích thích tăng trưởng, đều kích cỡ, khi chín màu vàng ươm, bùi, dẻo, ngọt.

Công ty Huy Long An cũng là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đưa được chuối có thương hiệu Fohla vào hệ thống siêu thị Don Kihote, Daiei, Aeon ở Nhật Bản từ tháng 4/2016, không chỉ ở Tokyo mà còn ở các tỉnh Niigata, Chiba, với giá 11 USD/thùng 13,5kg. Hiện tại, mỗi tuần doanh nghiệp này xuất từ 2 - 3 container chuối tươi sang Nhật Bản bằng đường biển. Ngoài Nhật, chuối của Công ty còn xuất sang Singapore, Trung Đông, Hàn Quốc.

"Chất lượng quyết định sự thành bại để vào được thị trường khó tính", ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty T&T Vina khẳng định. T&T Vina xuất khẩu gần 1.000 container/năm thanh long, nhãn, chôm chôm vào thị trường Mỹ. Đạt được kết quả ấy, T&T Vina phải quy hoạch vùng trồng trái cây xuất khẩu theo tiêu chuẩn GlobalGAP và truy xuất được nguồn gốc. Để sản xuất trái cây ở quy mô thương mại, T&T Vina phải liên kết với nông dân để có diện tích đất đủ lớn, ít nhất là 100 hécta.

Theo ông Tùng, thuyết phục nông dân hợp tác với doanh nghiệp và trồng đúng theo quy chuẩn đặt ra vốn rất khắt khe và tốn nhiều công sức thì phải tạo niềm tin cho họ. Niềm tin đó được xây dựng bằng uy tín trong thanh toán, mua hàng ổn định, luôn có lợi nhuận tốt so với trồng thông thường và bán cho thương lái.

"Nhìn chung, doanh nghiệp phải có đủ nguồn lực tài chính để xây dựng được vùng trồng, vì cứ mỗi 2 năm tốn 2.000 USD để được cấp tiêu chuẩn GlobalGAP. Chưa kể, ngay đầu vụ phải đặt cọc cho nông dân số tiền 50 triệu đồng/héc ta để mua nguyên vật liệu", ông Tùng chia sẻ.

Đầu tư mạnh ngay từ lúc trồng mới cho ra được loại trái cây đúng quy chuẩn xuất khẩu. Thông thường, trong 10 tấn sản phẩm thì chỉ lựa được vài ba tấn hàng đáp ứng thị trường Mỹ. Tuy nhiên, đây chỉ một phần trong các điều kiện cần, doanh nghiệp còn phải xây dựng quy trình thu hoạch, đóng gói, vận chuyển, đặc biệt là sở hữu được công nghệ bảo quản mới giữ được chất lượng trái cây tốt cho đến khi đến tay người tiêu dùng.

Cũng theo ông Tùng, vì xuất khẩu trái cây tươi nên các doanh nghiệp có khuynh hướng vận chuyển bằng máy bay, chi phí rất đắt, hiện có giá khoảng 3.000 USD/tấn hàng. T&T Vina đã tạo ra được công nghệ bảo quản trái cây giữ độ tươi lâu nhưng không lạm dụng chất bảo quản, không dư lượng thuốc nên vận chuyển theo đường biển với chi phí khoảng 2.500 USD/container, một container chứa được hơn 10 tấn hàng.

Sự chênh lệch chi phí giữa vận chuyển hàng không và đường biển giúp T&T Vina đưa ra giá thành trái cây rất cạnh tranh trên thị trường Mỹ.

Bình luận của bạn