Triển khai nhiều giải pháp đảm bảo kinh tế thủ đô tăng trưởng bền vững

 

Dây chuyền sản xuất bảng mạch điều khiển đèn LED tại Công ty CP Bóng đèn, phích nước Rạng Đông (Hà Nội). Ảnh: TRẦN HẢI

Trong giai đoạn 2008 - 2015, kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều bất ổn, khó khăn nhưng ngành Công thương Hà Nội đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng, đưa kinh tế Thủ đô tiếp tục đạt nhiều thành tựu mới. Thời gian tới, ngành Công thương Hà Nội đặt mục tiêu đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, bảo đảm kinh tế thành phố phát triển bền vững, nâng cao vị thế của Thủ đô.

Cách đây 65 năm, vào ngày 14-5-1951, Chủ tịch nước đã ký sắc lệnh số 21-SL đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công thương. Và từ năm 2008, ngày 14-5 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống của ngành công thương Việt Nam. Gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của ngành công thương cả nước, Sở Công thương Hà Nội đã trải qua nhiều thay đổi về mô hình tổ chức, tên gọi khác nhau như Sở Thương nghiệp, Sở Ăn uống, Sở Thương mại, Sở Công nghiệp, Sở Công thương... Ngành công thương thành phố Hà Nội đã góp phần quan trọng trong quá trình phát triển, tăng trưởng của kinh tế Thủ đô.

Từ ngày 1-8-2008, thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 32/QĐ-UBND ngày 2-8-2008 về việc thành lập Sở Công thương Hà Nội trên cơ sở hợp nhất Sở Công thương Hà Nội với Sở Công thương Hà Tây. Tổ chức bộ máy, cán bộ của sở được sắp xếp theo nguyên tắc hợp nhất các phòng, ban chuyên môn, nghiệp vụ tương ứng của Sở Công thương Hà Nội và Sở Công thương tỉnh Hà Tây (trước đây). Tổ chức bộ máy của sở được cơ cấu lại, từ 19 phòng giảm xuống còn chín phòng; từ chín đơn vị xuống còn sáu đơn vị. Đến nay, tổng số cán bộ công chức, viên chức là 848 CBCCVC, trong đó văn phòng cơ quan sở có 155 người gồm Ban Giám đốc, Văn phòng sở, Thanh tra sở, bảy phòng nghiệp vụ và 693 người của Chi cục Quản lý thị trường và ba đơn vị trực thuộc sở quản lý.

Từ năm 2008 đến nay, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức... Trước tình hình đó, tập thể Đảng ủy và Ban Giám đốc Sở Công thương Hà Nội đã ổn định tổ chức bộ máy và triển khai ngay các giải pháp, nhiệm vụ. Trước hết, ngành công thương thành phố đã hoàn thành công tác xây dựng, trình phê duyệt, công bố và triển khai nhiều quy hoạch quan trọng như quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại; quy hoạch mạng lưới bán buôn-bán lẻ, mạng lưới kinh doanh xăng dầu, mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm; quy hoạch phát triển nghề và làng nghề, phát triển điện lực... Đồng thời, tiếp tục xây dựng chuẩn bị trình phê duyệt quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, quy hoạch hệ thống cửa hàng thuốc lá, rượu... Đây chính là cơ sở quan trọng để các lĩnh vực kinh tế phát triển đúng định hướng, mục tiêu. Tám năm qua, sản xuất công nghiệp trên địa bàn đã tăng trưởng bình quân 14,9%/năm, xuất khẩu tăng trung bình 11,5%/năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng trưởng gần 20%/năm… Kinh tế Thủ đô từng bước đổi mới, tăng trưởng và phát triển.

Hỗ trợ sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Ngành Công thương Hà Nội đã luôn đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Hằng năm, Sở Công thương tham mưu UBND thành phố Hà Nội duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc, đối thoại, gặp gỡ để lắng nghe các phản ánh, kiến nghị, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực như vốn, thuế, đất, tiếp cận thị trường, quảng bá thương hiệu... Sự hỗ trợ này cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp đã thúc đẩy nhiều lĩnh vực kinh tế chuyển biến tích cực. Trong lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã chú trọng đầu tư về thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ cao, đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, đổi mới mẫu mã đáp ứng nhu cầu của thị trường. Số doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ mới đã tăng nhanh qua các năm. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào chuỗi sản xuất các tập đoàn lớn trên thế giới, phục vụ xuất khẩu. Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được chú trọng và triển khai quyết liệt với tám khu công nghiệp đang hoạt động, quy mô gần 1.240 ha, tỷ lệ lấp đầy hơn 90%. Hai khu công nghiệp đang xây dựng hạ tầng, diện tích gần 110 ha. Các khu công nghiệp trên địa bàn đã thu hút hơn 600 dự án, trong đó, có hơn 310 dự án đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký đạt hơn 4,9 tỷ USD; 290 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký đạt hơn 11.700 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 107 cụm công nghiệp đã, đang và sắp triển khai, với tổng diện tích quy hoạch 3.192,9 ha, thu hút 3.807 dự án và 63.926 lao động.

Bên cạnh các khu, cụm công nghiệp, hiện trên địa bàn thành phố đang có khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó, 292 làng nghề đã được công nhận đạt tiêu chuẩn và duy trì sản xuất ổn định, tạo thu nhập cho lao động địa phương. Nhiều làng nghề truyền thống đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm mạnh, không chỉ phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước mà còn phục vụ hiệu quả cho xuất khẩu. Ngành công thương thành phố đã tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn, đào tạo nghề cũng như các kỹ năng quản lý, quản trị, thiết kế, xuất nhập khẩu... cho lao động khu vực nông thôn. Qua nhiều cuộc thi, chương trình hội chợ, triển lãm... mà Sở Công thương phối hợp tổ chức, sản phẩm các làng nghề đã có sự thay đổi mạnh mẽ, tính ứng dụng, nét hiện đại và thẩm mỹ tăng lên rõ rệt. Ngoài ra, để tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp, nhất là các sản phẩm có chất lượng, Sở Công thương đã tham mưu UBND thành phố ban hành và tổ chức triển khai Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực. Đến nay, đã có 60 sản phẩm của 49 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực, được thành phố hỗ trợ xây dựng quảng bá thương hiệu, hỗ trợ vốn, thuế để doanh nghiệp tăng cường sản xuất, đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ lực đều có mức doanh thu tăng cao, nhiều doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu tốt và luôn giữ vững đà tăng trưởng, được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao.

Tích cực xúc tiến, phát triển thương mại

Đồng thời, với việc hỗ trợ sản xuất, ngành công thương đã phối hợp các đơn vị liên quan để rà soát, quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Hiện trên địa bàn Hà Nội đang có khoảng 425 chợ hoạt động ổn định, bảo đảm an ninh trật tự. Đáng kể, công tác chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ đang góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng, giảm chi ngân sách nhà nước... Riêng mạng lưới các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn 5 năm qua đã có sự phát triển vượt bậc với 22 trung tâm thương mại và 135 siêu thị. Hệ thống này đang dần trở thành kênh phân phối hàng hóa hiệu quả theo xu hướng văn minh, hiện đại, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiếp cận dần mọi tầng lớp nhân dân, chiếm khoảng 20 - 25% thị phần tiêu thụ hàng hóa của thị trường. Cùng với sự phát triển của hệ thống phân phối hiện đại, thương mại điện tử cũng tăng trưởng mạnh. Hiện Hà Nội đang đứng đầu cả nước về chỉ số thương mại điện tử nói chung, đồng thời, tiên phong trong công tác quản lý hoạt động thương mại điện tử, nghiêm minh và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thương mại điện tử.

Thông qua hệ thống phân phối, ngành công thương thành phố đã nỗ lực nhiều biện pháp bình ổn giá, đưa hàng về nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất, thực hiện tốt cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu được triển khai liên tục suốt chín năm qua, đã bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhất là trong các dịp lễ, Tết, các trường hợp thiên tai, mất mùa... Chương trình đã góp phần ổn định thị trường, kiềm chế tốc độ tăng giá của các nhóm hàng hóa thiết yếu, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác nguồn hàng từ các tỉnh, liên kết mở rộng thị trường. Không chỉ phục vụ người tiêu dùng ở khu vực trung tâm, Sở Công thương đã động viên, đồng hành các doanh nghiệp tích cực triển khai hơn 2.000 chuyến bán hàng lưu động phục vụ người dân, người lao động thu nhập thấp tại các khu vực nông thôn, ngoại thành, các khu - cụm công nghiệp, chế xuất trên địa bàn. Qua đó, tạo thói quen sử dụng hàng Việt Nam cho người tiêu dùng Thủ đô, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh cao. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách thường xuyên, kịp thời. Lực lượng quản lý thị trường của thành phố đã góp phần tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thời gian qua cũng là giai đoạn mà kinh tế Hà Nội có sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế và tăng cường liên kết chặt chẽ với các địa phương trong nước. Thành phố đã ban hành kế hoạch đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2013-2015. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có sự phát triển nhanh, tăng trưởng cao, đóng vai trò quan trọng trong thu hút vốn và công nghệ, trình độ quản lý. Sở Công thương đã tham mưu, giúp UBND thành phố đưa ra nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Sở Công thương cũng thường xuyên phối hợp tổ chức các cuộc tiếp xúc, làm việc, trao đổi ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp Thủ đô với các đối tác nước ngoài. Gần 200 lượt doanh nghiệp được tham dự các hội chợ, triển lãm, các chuyến khảo sát thị trường nước ngoài, giao dịch thương mại tại nhiều nước có tiềm năng xuất khẩu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái-lan, Mỹ, Nga... Thành phố cũng đón nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài tới giao thương, kết nối với các doanh nghiệp Hà Nội. Qua các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước, kinh tế Hà Nội đã có sự liên kết chặt chẽ hơn với các tỉnh, thành phố trong cả nước, khai thác hiệu quả các nguồn hàng từ các tỉnh cung ứng cho thị trường Thủ đô. Đồng thời, đưa hàng hóa mà doanh nghiệp, các làng nghề trên địa bàn thành phố sản xuất đến tay người tiêu dùng các tỉnh.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, thành phố Hà Nội cũng như cả nước sẽ chịu nhiều tác động mạnh của quá trình hội nhập kinh tế thế giới một cách sâu rộng hơn, nhất là khi nhiều hiệp định tự do thương mại được ký kết. Trước những thách thức, khó khăn đó, ngành Công thương Hà Nội đã đặt ra các mục tiêu cụ thể như tăng trưởng ngành công nghiệp đạt bình quân 10,4-11%/năm; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 8%/năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng bình quân 13-14%/năm... Để đạt mục tiêu này, Sở Công thương sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, hoạt động để giữ vững ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng bền vững. Sẽ phát triển chọn lọc các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng lớn, sử dụng công nghệ cao. Phấn đấu đưa thành phố Hà Nội trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm dịch vụ chất lượng cao của cả nước. Thiết lập, củng cố và phát triển các kênh phân phối hàng hóa và dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại. Ngành Công thương sẽ tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp và nhân dân để nền kinh tế Thủ đô ngày một phát triển bền vững, đạt nhiều thành tựu mới.

Bình luận của bạn