Truy xuất nguồn gốc: Nâng tầm giá trị nông sản Việt
Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới và cùng với sự vận động của thị trường, yêu cầu đối với hàng hoá của người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn theo hướng tìm hiểu sâu về quy trình sản xuất. Truy xuất nguồn gốc, theo đó, ngày càng là yêu cầu lớn hơn cho doanh nghiệp (DN) trong việc nâng cao giá trị hàng hóa, đặc biệt là nông sản xuất khẩu.
Truy xuất nguồn gốc - yêu cầu bắt buộc
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (Cofidec) đã và đang phối hợp với Hội Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh ứng dụng phương pháp truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng điện tử cho sản phẩm cà tím. Bà Đặng Thị Phương Ninh - Giám đốc Cofidec cho hay, quy trình sản xuất là công ty sẽ cung cấp giống cà tím của Nhật Bản cho người nông dân để họ trồng tại trang trại theo quy trình DN yêu cầu. Tất cả quá trình trồng trọt, từ xuống giống, bón phân, thu hoạch, năng suất... đều phải được liệt kê một cách chính xác bằng công nghệ thông tin để DN kiểm soát. Sau khi thu hoạch, sản phẩm được bao tiêu hoàn toàn và vận chuyển bằng xe của công ty về nhà máy của Cofidec, chế biến rồi xuất khẩu (XK) sang thị trường Nhật Bản. Dự kiến, cuối năm nay, mô hình này sẽ được triển khai tại một số trang trại tại Đắk Lắk và Lâm Đồng.
“Việc truy xuất nguồn gốc hàng XK, đặc biệt khi muốn XK đến các thị trường tiên tiến như Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ... đang là việc đương nhiên khi khách hàng yêu cầu ngày càng nhiều. Việc truy xuất nguồn gốc cũng giúp sản phẩm mang tính minh bạch, rõ ràng hơn, giúp bạn hàng tin tưởng nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao uy tín và kim ngạch XK của DN” - bà Đặng Thị Phương Ninh cho hay.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), truy xuất nguồn gốc đang là yêu cầu phổ biến đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Nguyên nhân bởi sự quan tâm của người tiêu dùng không chỉ giới hạn ở chất lượng hay mẫu mã mà còn bao gồm cả các thông tin liên quan đến quá trình tạo ra sản phẩm và đưa sản phẩm đến khách hàng cuối cùng, đặc biệt với những sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khoẻ như dược phẩm, thực phẩm, đồ uống...
Bà Phạm Thị Lý - Giám đốc Trung tâm DN hội nhập và phát triển, tác giả sáng chế quy trình xác thực chống hàng giả - chuyên gia trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc cho biết, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa là việc cả thế giới đã làm, EU đã có tiêu chuẩn chung và Việt Nam đã có những nghị định, chỉ thị từ cách đây 2, 3 năm. Khi hội nhập ngày càng sâu vào thế giới, Việt Nam sẽ phải chấp nhận tất cả các “luật chơi”, trong đó có cả việc đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.
Đối với XK, việc rõ ràng nguồn gốc xuất xứ, ngoài việc cung cấp thông tin cho người tiêu dùng còn đảm bảo tính cam kết về sự minh bạch cũng như chịu trách nhiệm về thông tin của nhà sản xuất công bố trên nội dung mã truy xuất nguồn gốc. Các thông tin về truy xuất hàng hóa sẽ giúp xóa đi mặc cảm của người tiêu dùng trong nước và quốc tế về dòng sản phẩm Việt Nam có chất lượng chưa cao hay chưa tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế.
“Do đó, tôi cho rằng truy xuất nguồn gốc hàng hóa sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trước sức ép hội nhập kinh tế quốc tế, là điều cần thiết và xu thế chung của thế giới. Khi áp dụng truy xuất nguồn gốc vào hàng hóa XK, chúng ta cũng đã tiến thêm một bước trong việc hội nhập sâu vào chuỗi giá trị chung” - bà Phạm Thị Lý cho hay.
Thực tế, hoạt động này cũng mang lại hiệu quả cao cho DN. Đơn cử, nhằm đáp ứng yêu cầu của phía bạn hàng Trung Quốc là từ ngày 1/4/2018, tất cả các sản phẩm nông sản XK sang thị trường này phải truy xuất được nguồn gốc, ngay từ trước khi bắt đầu vụ vải 2018, UBND huyện Thanh Hà (Hải Dương) đã liên hệ với TP. Hà Nội và đề nghị UBND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm DN hội nhập và phát triển hỗ trợ công nghệ truy xuất nguồn gốc cho 3.900ha vải. Sau vụ vải, không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu của các bạn hàng Trung Quốc, có hộ gia đình cho hay đã bán được 25 tấn vải chỉ thông qua hệ thống truy xuất này. Bà Phạm Thị Lý bày tỏ: “Hệ thống còn giúp các hộ gia đình kết nối được với khách hàng từ Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... để bán hàng và họ cho rằng đây là công cụ tuyệt vời cho họ”.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa
Song song với những hiệu quả đã đạt được, bà Đặng Thị Phương Ninh cũng cho hay, khi truy xuất nguồn gốc hàng hóa, yêu cầu quan trọng hàng đầu là phải xác định được đúng thời điểm ghi nhận thông tin đó, ví dụ như thời điểm xuống giống, thời điểm bón phân, thu hoạch... Nhưng hiện nay, phương pháp truy xuất nguồn gốc chủ yếu được thực hiện bằng cách người nông dân ghi chép lại sổ sách bằng tay rồi cung cấp lại cho DN và DN sử dụng lại, tạo thành thông tin truy xuất hàng hóa. Điều này dẫn đến tình trạng ghi thông tin sai lệch, chưa chính xác hoặc thậm chí không đúng sự thật.
Giai đoạn hiện nay, khách hàng vẫn chấp nhận việc có được những thông tin theo cách thủ công mà ta đang áp dụng. Họ cũng đồng hành với DN Việt trong việc cùng đi kiểm soát quy trình sản xuất tại trang trại. Tuy nhiên, nhiều DN đang có đòi hỏi ngày càng cao hơn nữa về việc truy xuất nguồn gốc và yêu cầu phải cập nhật kịp thời từng giây từng phút. Sử dụng công nghệ thông tin để truy xuất bằng điện tử là giải pháp thay thế hữu hiệu, nhưng để thay đổi thói quen của người nông dân trong một sớm một chiều sẽ không dễ dàng. “Đây là khó khăn, nhưng cũng là cơ hội cho DN phải thay đổi phương thức truy xuất nguồn gốc để phù hợp với yêu cầu mới. Nếu tất cả DN XK làm được, nếu hàng hóa nội địa cũng làm được thì sẽ mang lại một tầm cao mới cho hàng hóa Việt Nam trên thế giới” - bà Đặng Thị Phương Ninh cho hay.
Bà Phạm Thị Lý chia sẻ thêm, hiện nay, để các thông tin truy xuất nguồn gốc được cung cấp cho người tiêu dùng một cách chính xác, trung tâm đã sử dụng GPS để định vị và nếu người nông dân thực hiện đủ các bước truy xuất nguồn gốc hàng hóa theo yêu cầu thì đã có thể thiết lập được nhật ký điện tử tự động thông qua định vị GPS. Các lịch sử đó cho phép truy xuất được ngày tháng năm nào, tọa độ ra sao, người nông dân nào áp dụng giải pháp gì cho sản phẩm.
Tuy nhiên điều khó khăn khi triển khai giải pháp này là không phải bất cứ vùng nào cũng sẵn sóng 3G, wifi để áp dụng mà chỉ áp dụng được cho 1 số đơn vị đã làm chuyên nghiệp ở khu vực trung tâm thành phố. Do đó, Trung tâm DN hội nhập và phát triển đã đề xuất với UBND TP. Hà Nội xây dựng một phần mềm riêng cho từng lĩnh vực sản xuất để hỗ trợ người nông dân đạt được kết quả truy xuất tự động.
Thực tế, việc truy xuất hàng hóa chung theo luật đã có, tuy nhiên áp dụng truy xuất nguồn gốc bằng điện tử vẫn mang tính chất tự nguyện, động viên DN áp dụng. Tuy nhiên, nhu cầu của thị trường đang ngày càng đòi hỏi cao hơn và thực tế, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc một cách hiện đại, tự động đang là đòi hỏi ngày càng cấp thiết, đồng thời giúp nâng cao uy tín, giá trị cho DN. Do đó, dự kiến, trong thời gian tới, phương pháp này sẽ được áp dụng rộng rãi hơn cho nhiều DN.