Tự hào hàng Việt Nam (Số 2): Công tác dân vận trong cuộc vận động

“Người Việt dùng hàng Việt”, “Hàng hóa Việt chiếm lĩnh thị trường”, “Sức mua hàng nội tăng”… là những ngôn từ thương mại đã và đang trở nên quen thuộc với người dân trong đời sống hàng ngày. Điều này cho thấy rõ sự thành công bước đầu của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Sức lan tỏa của cuộc vận động

Sau 7 năm thực hiện, Cuộc vận động đã có những tác động tích cực đến toàn xã hội, thay đổi nhận thức của các nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hàng Việt phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

“Mình là người Việt thì nên tiêu dùng hàng Việt”.

“Chúng tôi thấy tự hào vì dùng hàng Việt rất tốt. Để đảm bảo cho người tiêu dùng, tự hào cho đất nước Việt Nam. Hàng mình cũng rất tốt nên chúng tôi sẵn sàng mua hàng Việt để sử dụng”.

“Các bệnh viện đang thực hiện chủ trương thay thế thuốc ngoại bằng thuốc nội. Chất lượng của thuốc Việt đáp ứng đủ tiêu chuẩn quốc tế và có giá phù hợp với mức thu nhập của người dân”.

Đó là những đánh giá khách quan của bà Lan (một người nội trợ ở Tp. Hồ Chí Minh), ông Hải (một cựu chiến binh ở Nghệ An) và bác sỹ Khánh (đang sống và làm việc tại Hà Nội).

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” gặt hái được những kết quả tích cực.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) thì có đến 92% người tiêu dùng được hỏi “rất quan tâm” và “quan tâm” đến Cuộc vận động”, 63% người tiêu dùng “tự xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, 54% người tiêu dùng “khuyên người thân trong gia đình, bạn bèn, người quen biết nên mua hàng Việt Nam”.

Có thể thấy, xu hướng tiêu dùng hàng Việt Nam đã lan tỏa đến mọi người dân, mọi đối tượng với các ngành nghề khác nhau, tạo nên một hiệu ứng tích cực lan rộng trong toàn xã hội.

Công tác dân vận – Chìa khóa vàng

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không phải là một chính sách bảo hộ mậu dịch, bài trừ hàng ngoại, mà nhằm mục đích khuyến khích, định hướng cho người tiêu dùng.

Để Cuộc vận động thành công, cần một tổ chức có khả năng tập hợp và tuyên truyền để 11 triệu công nhân, 20 triệu nông dân, 4,9 triệu tri thức, 2,4 triệu cán bộ công chức và viên chức, 26 triệu thanh niên, 45 triệu phụ nữ, 2,7 triệu cựu chiến binh, 2 triệu doanh nhân… biết, làm, bàn và kiểm tra.

Tổ chức có thể hiệu triệu lực lượng đông đảo trên chỉ có thể là Mặt trận Tổ Quốc các cấp. Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, đánh giá: “Để khắc phục hạn chế trong thời gian qua thì phải thực hiện sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với các cấp, các ngành, các đoàn thể. Toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc thì cuộc vận động mới có chất lượng được”.

Trong suốt thời gian tiến hành cuộc vận động, Mặt trận tổ quốc đã phối hợp cùng các cơ quan hữu quan đẩy mạnh tuyên truyền, kịp thời thông tin, phản ánh về thị trường, biến động giá cả, cung cầu hàng hóa; đặc biệt là giới thiệu, quảng bá và tôn vinh các sản phẩm, doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng Việt.

Để phát huy hiệu quả, Ban Chỉ đạo cuộc vận động đặc biệt chú trọng đến công tác thuyết phục, vận động, đặc biệt là vai trò của các tổ chức, hội, đoàn thể.

Đẩy mạnh tổ chức các phong trào, lồng ghép nội dung cuộc vận động vào các hội thi, sinh hoạt; xây dựng các kế hoạch tuyên truyền; vận động, khuyến khích cán bộ, nhân viên cùng thực hiện…

Cuộc vận động "“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" có sức lan tỏa rộng lớn

Bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhấn mạnh:“Cán bộ, đảng viên, những người thấm được ý nghĩa của cuộc vận động phải là những người gương mẫu trong tiêu dùng các sản phẩm, hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam. Các hoạt động mua sắm tài sản công từ ngân sách nhà nước phải ưu tiên mua trang thiết bị, đồ dùng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất”.

Từ tuyên truyền, giải thích (làm dân biết) đến trao đổi, bàn bạc (dân bàn); từ động viên, tổ chức toàn dân thi hành (dân làm) đến cùng dân kiểm thảo, rút kinh nghiệm (dân kiểm tra)… công tác dân vận là chìa khóa tạo nên sức lan tỏa rộng lớn cho cuộc vận động trong 7 năm qua.

Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đặt mục tiêu đến năm 2020 có 100% người tiêu dùng và doanh nghiệp biết đến Cuộc vận động, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bộ, ngành và tổ chức chính trị - xã hội xây dựng được kênh truyền thông “Tự hào hàng Việt”; hàng Việt có thế mạnh chiếm 80% thị phần tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Đây là những mục tiêu khó, nhưng nếu biết “dựa sức dân”, làm tốt công tác dân vận sẽ phát huy được sáng kiến, kinh nghiệm, nguồn lực và tạo dựng sự ủng hộ đồng nhất của người dân để hoàn thành mục tiêu.

Rõ ràng, điều này đã và đang được chứng minh trong thực tế cuộc vận động. 

Bình luận của bạn