Tự hào hàng Việt Nam (Số 3): Tạo sức lan tỏa mạnh mẽ
Thời gian qua, hoạt động “Hàng Việt về nông thôn” đã góp phần mang lại những hiệu quả tích cực trong việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".
Thực hiện theo tinh thần cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã thực hiện tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng về chất lượng hàng hóa Việt. Hướng tới sự phổ biến sâu rộng trong cộng đồng dân cư các vùng, miền, cuộc vận động đã được cụ thể hóa gắn với các lễ hội, hội chợ triển lãm… mà điển hình như hoạt động “Hàng Việt về nông thôn”.
Đây là hoạt động được các địa phương hết sức quan tâm và trở thành một trong những nội dung trọng tâm, trọng điểm hưởng ứng Cuộc vận động. Hoạt động “Hàng Việt về nông thôn” cũng là dịp để các doanh nghiệp khẳng định vị thế ngay trên “sân nhà”, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, quảng bá giới thiệu sản phẩm.
Hoạt động "Hàng Việt về nông thôn" là cơ hội để các DN khẳng định vị thể ngay trên "sân nhà"
Thông qua hoạt động, người dân dễ dàng tiếp cận với các mặt hàng sản xuất trong nước có chất lượng, uy tín và giá cả hợp lý; đồng thời doanh nghiệp có điều kiện hiểu rõ hơn về nhu cầu tiêu dùng của người dân nhằm điều chỉnh sản xuất sản phẩm có chất lượng, phù hợp thị hiếu tiêu dùng. Đây là cách làm đúng, thiết thực của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ từ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Chia sẻ về hiệu quả của hoạt động “Hàng Việt về nông thôn”, bà Trương Thị Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương cuộc vận động cho biết: “Thông qua các hoạt động đưa hàng Việt Nam về nông thôn, các doanh nghiệp đã bán được số hàng lớn, doanh thu cao. Điều đó thể hiện người tiêu dùng luôn mong đợi hàng hóa có chất lượng, giá cả hợp lý, đặc biệt là đối với người tiêu dùng ở khu vực nông thôn do đời sống, thu nhập thấp nên những mặt hàng nào giá thành vừa phải hợp lý, họ sẽ mua”.
Riêng trong năm 2015 và quý I/2016, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương tổ chức 180 đợt bán hàng về nông thôn với gần 2.400 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 930.000 lượt người tới tham quan mua sắm, mang lại doanh thu hơn 20.000 tỷ đồng. Đặc biệt, thành phố Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước trong việc thực hiện cuộc vận động, đã vận động các doanh nghiệp bán lẻ hỗ trợ nông dân các tỉnh Hải Dương, Sóc Trăng… tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản như vải, hành tím… với số lượng lớn.
Dù mang lại những hiệu ứng tích cực, nhưng hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn vẫn còn nhiều vướng mắc. Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, còn một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm hàng hóa của đơn vị mình đến đông đảo người tiêu dùng; chưa quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu nhãn mác của sản phẩm, hàng hóa. Trên thị trường vẫn xảy ra những vụ buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm không an toàn dẫn đến giảm lòng tin của người dân, đặc biệt là người tiêu dùng ở khu vực nông thôn.
Người dân mua hàng tại các phiên chợ
“Nhiều trường hợp các đơn vị, tổ chức các hoạt động đưa hàng việt về nông thôn lại có biểu hiện lợi dụng các chương trình đó để đưa hàng hóa không đảm bảo chất lượng, có những trường hợp hàng nước ngoài nhập vào nhưng lại núp dưới nhãn hiệu của các doanh nghiệp việt nam, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may.
Không ít người ở nông thôn khi gặp những hàng hóa này đã có những phản ứng bất bình. Tôi cho rằng họ phản ứng đó là đúng, bởi vì họ muốn đón nhận những hàng hóa đang hoàng, chất lượng được công bố nhưng lại phải mua hàng hóa chất lượng không tốt”, bà Ánh cho biết thêm.
Để giải quyết vấn đề này, bà Ánh cho biết Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục đề nghị ban chỉ đạo các cấp tăng cường các hoạt động giám sát để các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn phải thật sự là những hàng hóa có chất lượng, có uy tín, có xuất xứ và được công bố về tiêu chuẩn, về chất lượng từ các doanh nghiệp, các nhà sản xuất. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức sử dụng sản phẩm trong nước, góp phần hưởng ứng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.